Bỏng da là gì? Cẩm nang kiến thức về bỏng bạn cần biết

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (3 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Tai nạn do bỏng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là bỏng do nhiệt. Các mức độ bỏng như nào, việc điều trị và phương pháp phòng tránh ra sao sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

Bỏng da là tai nạn ai cũng có nguy cơ gặp phải
Bỏng da là tai nạn ai cũng có nguy cơ gặp phải

Bỏng là gì?

Bỏng là tên gọi những thương tổn vượt quá mức chịu đựng của da do nhiệt, điện, hóa chất…gây nên. Tùy vào mức độ ảnh hưởng mà bỏng có thể tác động lên sức khỏe con người khác nhau, trong đó nhẹ thì gây phồng rộp da, trường hợp bỏng nặng có thể dẫn đến tử vong tại chỗ gây di chứng suốt đời.

Các tác nhân gây bỏng chính bao gồm bỏng do nhiệt (nước sôi, lửa, hơi nóng, vật nóng…), bỏng do điện (điện giật, sét đánh…), bỏng hóa chất (axit hoặc bazo) hoặc bỏng do xạ trị.

Các mức độ bỏng

Mức độ bỏng được quyết định bằng các yếu tố sau:

  • Diện tích bỏng: Bỏng càng rộng thì mức độ ảnh hưởng càng nặng.
  • Độ sâu của bỏng: mức độ bỏng được đánh giá dựa trên các thương tổn ở bề mặt ngoài của da hay sâu vào các lớp bên trong da.
  • Tuổi bệnh nhân: Trẻ em, người già là những đối tượng thường phải chịu tiên lượng nặng hơn do cấu tạo da yếu hơn và sức đề kháng kém hơn.
  • Các yếu tố khác: Nạn nhân có bị chấn thương khác cũng với bỏng hay không, sơ cứu ban đầu có kịp thời hay không…
Các mức độ của bỏng
Các mức độ của bỏng

Khi bị bỏng cần xử lý như nào?

Cách tốt nhất để xử lý vết bỏng kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là ngâm, rửa vết thương với nước mát ngay sau khi bị bỏng. Tuy nhiên không được dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh để chườm lên vết thương, nhiệt độ nước lý tưởng nhất là 10 – 20 độ C.

Thời gian ngâm nước từ 15 – 20 phút, sau đó dùng băng vải sạch để băng bó vết thương tránh bụi bẩn bên ngoài. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Phương pháp điều trị bỏng

Để điều trị bỏng hiệu quả về không để lại sẹo, cần chú ý nhất đến việc xử lý vết bỏng tại chỗ ngay khi vừa bị tổn thương (30 phút đầu).

Điều trị toàn thân: uống thuốc điều trị bỏng để chống nhiễm khuẩn vết thương, thúc đẩy quá trình tái tạo mô da bị bỏng, điều trị và dự phòng các biến chứng toàn thân cho thể xảy ra do bỏng (sốc bỏng, nhiễm độ, suy nhiều tạng, chảy máu tiêu hóa…). Ngoài ra điều trị bỏng toàn thân cũng là cách để người bệnh nâng cao thể lực, tinh thần để vượt qua bệnh tật.

Điều trị bỏng tại chỗ: Dùng thuốc hoặc các dược liệu tự nhiên khác tùy thuộc vào mức độ thương tổn để bôi trực tiếp lên vùng da bị bỏng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để vết thương nhanh phục hồi. Trong trường hợp bỏng sâu có thể điều trị tại chỗ bằng cách can thiệp phẫu thuật để làm liền vết bỏng.

Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để chữa bỏng tại nhà như dùng lòng trắng trứng, kem đánh răng, nước mắm… Đây đều là các phương pháp chưa được khoa học thẩm định. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các cách chữa bỏng truyền miệng này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, hoại tử cho da, để lại nhiều tác hại nặng nề.

Điều trị bỏng
Điều trị bỏng

Cách phòng ngừa bỏng

Tai nạn do bỏng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu. Để phòng ngừa bỏng hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bố trí các thiết bị điện, bếp nấu trong gia đình một cách hợp lý. Đặc biệt trong các gia đình có trẻ em và người cao tuổi.
  • Để xa phích nước nóng, đồ ăn vừa chín…ra xa tầm tay của trẻ em.
  • Trang bị kiến thức cần thiết về phương pháp xử lý khi bị bỏng, đặc biệt là bỏng do nhiệt.
  • Chú ý quan sát bô xe máy khi mới dừng xe để tránh trường hợp bị bỏng bô xe.
  • Sử dụng các thiết bị điện có nắp đậy, hệ thống ngắt điện tự động trong gia đình.

Tai nạn do bỏng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Do đó trang bị kiến thức về bỏng là điều mọi người cần có để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân.

Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới