Cẩn trọng với biến chứng tiền sản giật trong thai kỳ

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Tiền sản giật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sản giật, gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ bầu và thai nhi.

Cẩn trọng với biến chứng tiền sản giật trong thai kỳ

Cẩn trọng với biến chứng tiền sản giật trong thai kỳ

Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hay gặp sau tuần thứ 20 của thai kỳ.  Phụ nữ mang thai có thể được chẩn đoán tiền sản giật nếu có huyết áp cao và xét nghiệm thấy đạm trong nước tiểu. Khi tiền sản giật tiến triển thành sản giật, nó sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy chúng ta hãy cùng trò chuyện với giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để hiểu thêm về triệu chứng và cách ngăn ngừa tiền sản giật xảy ra.

Nguy cơ nào có thể dẫn đến tiền sản giật?

Cô Lâm Thị Nhung – giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur Hà Nội cho biết nguyên nhân nào gây nên tiền sản giật vẫn chưa được biết chính xác, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần trong sự xuất hiện tiền sản giật như:

  • Mang đa thai.
  • Mang thai con đầu lòng.
  • Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi).
  • Những sản phụ có tiền sử bị tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn).
  • Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó.
  • Thai kì trước đây bị tiền sản giật.
  • Chế độ dinh dưỡng của bà bầu không hợp lý
  • Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan.
  • Trong thai kỳ sản phụ bị thừa cân hoặc béo phì.

Triệu chứng của tiền sản giật là gì?

Ban đầu, tiền sản giật có thể không xuất hiện triệu chứng. Khi tình trạng bộc phát, các triệu chứng có xu hướng phát triển dần dần nhưng đôi khi bắt đầu đột ngột. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tăng huyết áp, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg.
  • Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu
  • Có phù, thường xuất hiện ở bàn tay, chân và bàn chân.
  • Thay đổi trong tầm nhìn, bao gồm giảm tạm thời của thị giác, mờ mắt hoặc ánh sáng nhạy cảm
  • Tăng cân đột ngột (trên 2kg/tuần)
  • Đau dữ dội ở vùng bụng trên
  • Đau đầu dai dẳng kèm buồn nôn, nôn mửa.

Phòng tránh tiền sản giật trong thai kỳ như thế nào?

Phòng tránh tiền sản giật trong thai kỳ như thế nào?

Các biện pháp nào giúp phòng ngừa tiền sản giật?

Cô Phạm Phương Lâm, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết việc phòng tránh tiền sản giật cần được quan tâm chú ý ngay từ khi người mẹ bắt đầu trong giai đoạn thai kỳ. Một số biện pháp các sản phụ cần phải lưu ý như:

*Theo dõi khám thai thật định kỳ và đều đặn:

  • Chủ động khám tiền sản giật: Để phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai, các chị em nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám thai thường xuyên. Đặc biệt cần phải tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để có thể đo tình trạng huyết áp, chất đạm trong nước tiểu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
  • Những chị em có con muộn (ngoài 35 – 36 tuổi), trước khi mang thai từng bị cao huyết áp, hoặc trong gia đình có người từng mắc tiền sản giật thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.
  • Bên cạnh đó, các chị em cần nhận thức được những triệu chứng của tiền sản giật để nhanh chóng thông báo với bác sĩ và được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các chị em cũng nên đến các phòng khám, bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn cho lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lí nhất.

*Về chế độ dinh dưỡng cần lưu ý:

  • Chất đạm: Nên ăn khoảng 85 -100g protein mỗi ngày. Những thực phẩm giàu protein là đậu đỗ, sữa, các sản phẩm từ sữa như phômai, bơ, trứng, thịt, lúa mì…
  • Magie: Magie có tác dụng giải độc thai nghén. Magiê có nhiều trong các loại rau xanh, chứa nhiều chất diệp lục, lúa mỳ, các loại quả cứng, các loại đậu (đỗ), thịt, hải sản… cũng rất dồi dào magiê.
  • Canxi không chỉ giúp thai nhi phát triển xương và răng mà còn giúp giảm nguy cơ huyết áp cao cho mẹ. Đặc biệt, chế độ ăn uống giàu canxi có thể giúp giảm nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật trong giai đoạn thai kỳ và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh cho mẹ và bé. Nguồn thực phẩm dồi dào canxi mà các chị em không nên từ chối bao gồm: thịt bò, súp lơ xanh, sữa chua, nước cam, tôm, cua, cá hồi…
  • Axit folic: Nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic trước khi mang thai, trong khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ phát triển chứng tiền sản giật. Những thực phẩm giàu axit folic bao gồm súp lơ xanh, rau bina, cải xoăn, măng tây, thịt bò…
  • Vitamin C:  Để ngăn ngừa tiền sản giật, các chị em nên chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày như: ổi, cam, bưởi, nho, táo, ớt chuông, đu đủ, cải xoăn, dâu tây…
  • Nên ăn nhạt hơn bình thường.

Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các chị em cũng nên sắp xếp công việc khoa học, có đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và giữ một tinh thần thật thoải mái, khỏe mạnh nhé!

Nguyễn Thảo – Ytevietnam.edu.vn.

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới