Dị vật đường ăn

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Chưa có đánh giá nào)
Loading...

Dị vật đường ăn là dị vật nằm ở họng, hạ họng hoặc thực quản trong đó dị vật thực quản là hay gặp nhất và phức tạp hơn dị vật nằm ở họng, hạ họng. Ở Việt Nam, dị vật đường ăn thường gặp nhiều hơn dị vật đường thở. Dị vật đường ăn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em.

Dị vật đường ăn

Dưới đây là nguyên nhân và xử trí khi gặp tai nạn dị vật đường ăn, hy vọng mọi người sẽ tìm hiểu và giải quyết tai nạn này tốt hơn.

Nguyên nhân dẫn đến dị vật đường ăn

Do tập quán ăn uống: Sử dụng và chế biến xương không hợp lý như chặt quá nhỏ, món ăn dễ hóc (xương nấu với miến); Ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn.

Do thực quản co bóp bất  thường: Có những khối u bất thường trong hoặc ngoài thực quản như u trung thất đè vào thực quản, túi thừa thực quản, ung thư thực quản.

Do các đoạn hẹp sinh lý (eo) của thực quản: Thực quản có 3 đoạn hẹp tự nhiên và đây chính là chỗ dị vật hay mắc lại đó là eo nhẫn, eo phế-chủ và eo hoành.

Ngậm các dị vật nhỏ và vô tình nuốt vào.

Răng kém (người già), không có răng (trẻ em).

Biểu hiện triệu chứng của dị vật đường ăn trong giai đoạn đầu

Giai đoạn này được đánh giá là rất quan trọng để định hướng chẩn đoán.

Ngay sau khi nuốt phải dị vật bệnh nhân thường có cảm giác vướng do dị vật, nuốt thức ăn hoặc nuốt nước bọt rất đau, thường không ăn được nữa mà phải bỏ giữa chừng bữa ăn.

Bệnh nhân khạc mạnh. Nếu dị vật không ra sẽ thấy đau ở cổ, thậm chí không nuốt cũng đau, đau ngày một tăng. Nếu dị vật ở đoạn thực quản ngực, bệnh nhân sẽ đau sau xương ức, lan ra sau lưng và bả vai.

Triệu chứng dị vật đường ăn thường không ồ ạt như dị vật đường thở, tuy nhiên nếu dị vật to như trái cây, miếng thịt quá lớn… có thể chèn ép gây ngạt thở. Những dị vật nhỏ, mỏng chỉ gây khó nuốt, vị trí cảm giác nhiều khi không ăn khớp với vị trí của dị vật.

Hướng xử trí khi gặp tai nạn dị vật đường ăn

– Cấp cứu ban đầu:

+ Thở oxy nếu bệnh nhân khó thở, trường hợp khó thở thanh quản dữ dội do dị vật to chèn vào khí quản cần chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản cấp cứu.

+ Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

+ Những  điều  không  được làm khi gặp dị  vật  đường  ăn:

Tuyệt đối không được dùng ngón tay mò mẫm trong họng bệnh nhân vì động tác này không những không lấy được dị vật ra mà có thể đẩy chúng vào sâu cuống họng, thậm chí dẫn đến khó thở cho bệnh nhân.

Không ép bệnh nhân uống nước hoặc cho nuốt trọn từng miếng thức ăn to để mong xương rớt ra. Làm như thế rất nguy hiểm vì có thể gây tai biến chết người, nếu xương đâm thủng mạch máu.

Không dùng các mẹo chữa hóc xương cá trong dân gian như ngậm và nuốt vỏ cam, ngậm vitamin C, nhét tỏi vào lỗ mũi, uống nước quả trám, uống nước dãi vịt, nuốt cơm…

Nội soi thực quản: Vừa để xác định chẩn đoán, vừa để điều trị dị vật đường ăn.

Nguồn ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới