Điều trị một số bệnh mắc kèm HIV thường gặp

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Chưa có đánh giá nào)
Loading...

Người nhiễm HIV có thể do nhiều nguyên nhân. Cần xác định và điều trị nguyên chính trong khi vẫn phải kiểm soát một số bệnh mắc kèm HIV như lao, viêm phổi, nhiễm nấm, viêm gan B, C…

Dưới đây là hướng điều trị một số bệnh thường mắc kèm HIV, hy vọng mọi người sẽ có thêm những thông tin hữu ích.

Điều trị dự phòng lao bằng isoniazid (INH)

– Chỉ định:

+ Người lớn và trẻ vị thành niên nhiễm HIV đã được loại trừ mắc lao tiến triển, không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch kể cả những trường hợp như phụ nữ mang thai, người bệnh đang có điều trị ARV và người bệnh trước đây đã từng được điều trị lao.

+ Trẻ em nhiễm HIV: Trẻ trên 12 tháng tuổi chỉ định isoniazid cho trẻ đã loại trừ mắc lao tiến triển dựa vào sàng lọc lâm sàng và không tiếp xúc với người mắc lao. Đối với trẻ có tiếp xúc với người mắc lao thì chỉ định isoniazid khi đã khám và xét nghiệm loại trừ lao tiến triển; Trẻ dưới 12 tháng tuổi chỉ định isoniazid cho tất cả các trẻ có tiếp xúc với người bệnh mắc lao và đã được loại trừ mắc lao tiến triển.

+ Tất cả các trẻ bị lao sau khi kết thúc thành công điều trị lao: chỉ định isoniazid thêm 6 tháng.

– Chống chỉ định:

+ Chống chỉ định tuyệt đối với người bệnh có tiền sử dị ứng với INH.

+ Trì hoãn điều trị dự phòng INH cho các trường hợp như: Viêm gan tiến triển, xơ gan, nghiện rượu nặng: người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm gan (mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, đau bụng, nôn, buồn nôn, vàng da) và/hoặc có tăng men gan (ALT lớn hơn 5 lần chỉ số bình thường). Trì hoãn điều trị dự phòng lao cho đến khi men gan trở về bình thường hoặc nhỏ hơn 5 lần giới hạn bình thường; Rối loạn thần kinh ngoại biên khi người bệnh có cảm giác đau bỏng rát ở các chi hoặc có cảm giác kim châm, tê bì, yếu chi. Trì hoãn điều trị dự phòng INH cho đến khi người bệnh được điều trị ổn định.

– Liều lượng: Người lớn 1 viên 300 mg/ngày. Trẻ em 10 mg/kg/ngày, tối đa 300 mg/ngày.

– Cách dùng: Uống 1 lần/ngày vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn, tốt nhất là uống lúc đói.

Viêm phổi do Pneumocytis Carinii (PCP)

– Điều trị Cotrimoxazol dựa trên liều TMP: 15 mg/kg/ngày chia 4 lần x 21 ngày.

+ Người bệnh dưới 40 kg: TMP-SMX 480 mg, 2 viên/lần x 4 lần/ngày.

+ Người bệnh trên 40 kg: TMP-SMX 480 mg, 3 viên/lần x 4 lần/ngày.

+ Trẻ em: TMP-SMX 20 mg/kg/ngày chia 6-8 giờ/lần.

– Trường hợp suy hô hấp:

+ Người lớn: Prednisone/methylprednisolone (uống hoặc tiêm tĩnh mạch) với liều 40 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày, sau đó 40 mg x 1 lần/ngày x 5 ngày rồi 20 mg x 1 lần/ngày x 11 ngày.

+ Trẻ em: Prednisone 2 mg/kg/ngày chia 2 lần x 5 ngày, sau đó 1 mg/kg/ngày x 5 ngày, tiếp theo 0,5 mg/kg/ngày từ ngày 11 đến ngày 21, dừng điều trị theo tình trạng bệnh.

– Điều trị duy trì: CTX liều 960 mg uống hàng ngày ở người lớn và 5 mg/kg/ngày tính theo liều TMP ở trẻ em cho đến khi người bệnh điều trị ARV có CD4 trên 350 tế bào/mm3 kéo dài ít nhất 6 tháng.

– Phác đồ thay thế:

+ Người lớn: Clindamycin 600 mg tiêm tĩnh mạch hoặc 450 mg uống ngày 3 lần + Primaquine 15 mg uống 1 lần/ngày trong 21 ngày.

+ Trẻ em: Clindamycin 20 – 40 mg/kg/ngày chia 4 lần tiêm tĩnh mạch + Primaquine 15 – 30 mg/ngày uống.

Bệnh do nấm Cryptococcus

– Phác đồ ưu tiên: Amphotericin B tĩnh mạch 0,7 – 1 mg/kg/ngày kết hợp với fluconazole uống 800 – 900 mg/ngày x 2 tuần, sau đó fluconazole 800 – 900 mg/ngày x 8 tuần.

– Phác đồ thay thế (cho trường hợp nhẹ không có biến chứng hoặc trong trường hợp không có amphotericin B): Fluconazole 800 – 900 mg/ngày x 8 tuần. Ở trẻ em liều 5 – 6 mg/kg/ngày.

– Điều trị tăng áp lực nội sọ: Chọc dẫn lưu dịch não tủy hàng ngày một hoặc nhiều lần tùy mức độ tăng áp lực nội sọ, mỗi lần dẫn lưu 15 – 20 ml hoặc cho tới khi người bệnh bớt đau đầu.

– Điều trị duy trì: Fluconazole 150 – 200 mg/ngày ở người lớn và 3 mg/kg/ngày; ngừng sử dụng khi người bệnh điều trị ARV có số CD4 trên 200 tế bào/mm3 trên 6 tháng.

Nguồn ytevietnam.edu.vn

 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới