Yếu tố nguy cơ tim mạch

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Chưa có đánh giá nào)
Loading...

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh tim mạch.

Yếu tố nguy cơ tim mạch

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, hy vọng mọi người có thêm thông tin hữu ích.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được

– Tuổi tác: Nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời cao hơn. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi tác là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất. Hơn nửa số người bị đột quỵ tim mạch và tới bốn phần năm số người bị chết vì đột quỵ có tuổi cao hơn 65. Việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể giúp làm chậm lại quá trình thoái hoá do tuổi tác gây ra.

– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác cao hơn so với nữ giới ở tuổi trẻ. Tuy nhiên, nữ giới tuổi cao, sau mạn kinh cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch không khác nhiều so với nam giới.

– Yếu tố di truyền: Những bằng chứng nghiên cứu cho thấy những người có yếu tố di truyền bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn những người khác. Yếu tố di truyền còn bao gồm cả vấn đề chủng tộc.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

– Tăng cholesterol trong máu và các rối loạn lipid liên quan: Tăng hàm lượng các chất lipid trong máu rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch. Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều dạng cholesterol, trong đó, hai thành phần quan trọng nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Khi nồng độ LDL-C tăng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ và khi hàm lượng HDL-C trong máu càng thấp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao. Tăng triglycerid, một thành phần mỡ máu khác, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các rối loạn lipid máu lại thường đi kèm các nguy cơ tim mạch khác như đái tháo đường, tăng huyết áp… Việc đánh giá nồng độ các thành phần lipid máu là rất quan trọng, nên làm ở tuổi sau 40. Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều, nếu cần phải dùng các thuốc điều trị rối loạn lipid máu và điều chỉnh các nguy cơ khác (nếu có) đi kèm là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa các biến cố tim mạch.

– Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi cho dù những người hút thuốc thường gầy và có huyết áp thấp hơn những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ung thư phổi và các bệnh lý khác.

– Đái tháo đường và kháng insulin: Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type II, có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Bản thân người bệnh đái tháo đường cũng thường chết vì nguyên nhân tim mạch. Ngay cả khi lượng đường trong máu chỉ mới tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn. Những người đái tháo đường type II thường có nồng độ insulin trong máu cao và kèm theo tình trạng kháng Insulin. Đái tháo đường và đề kháng Insulin làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng lắng đọng cholesterol và mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó. Trong thực tế, giảm cân và tập luyện có khả năng thúc đẩy quá trình sử dụng đường và giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường. Việc điều trị khống chế tốt đường huyết sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim mạch. Những người bị đái tháo đường từ khi còn trẻ (gọi là đái tháo đường type I) lại có nhiều nguy cơ tổn thương thận và mắt hơn là bệnh mạch vành hay đột quỵ. Trong trường hợp này, insulin bị thiếu hụt trầm trọng do bệnh lý ở tuỵ.

Nguồn ytevietnam.edu.vn

 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới