5 cây thuốc quý quanh ta mà ai cũng cần biết
Đôi khi những loại cây nhỏ quen thuộc trồng quanh nhà lại trở thành vị thuốc hữu dụng mà bạn không ngờ tới.
- Cách phòng các bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột
- Hormone kiểm soát hoạt động trong cơ thể như thế nào?
- Vitamin Tổng Hợp Thay Thế Được Bữa Ăn Hàng Ngày?
5 cây thuốc quý quanh ta mà ai cũng cần biết
LÁ LỐT
Lá lốt là loại rau quen thuộc trong mỗi gian bếp thường dùng làm gia vị khi nấu canh, rán chả. Ngoài ra, lá lốt còn được đem sấy khô hoặc dùng tươi như một vị thuốc hữu hiệu chữa nhiều bệnh.
Theo Y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, hạ khí, giảm đau lưng, đau chân, trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu…
Theo kinh nghiệm dân gian lá lốt thường được dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ cây bưởi bung, sắc lấy nước dùng để uống hoặc để ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh; chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng…
DIẾP CÁ
Rau diếp cá thường được dùng kết hợp trong một số món ăn, làm thuốc chữa bệnh và cả trong việc làm đẹp của Việt Nam. Trong Đông y, rau diếp cá vị cay, tính hàn , có công dụng thanh nhiệt, giải độc do làm mát huyết do đó trong các trường hợp bị viêm nhiễm trong cơ thể như mụn nhọt, mẩn ngứa người ta có thể dùng rau diếp cá làm mát máu.
Người nào bị bệnh đường ruột, bị tiêu chảy cũng có thể dùng diếp cá. Rau diếp cá còn có thể dùng để hạ sốt cho trường hợp trẻ sốt mà không muốn dùng thuốc tây, hoặc phụ nữ có thai không dùng được thuốc tân dược.
ĐINH LĂNG
Cây đinh lăng rất nổi tiếng, từng được danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi là “nhân sâm của người nghèo” với những tác dụng chữa bệnh thần kỳ.
Theo Đông y, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lị…
Điều thú vị là tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể chế biến thành thuốc. Từ thân cành lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây từ 3 năm tuổi trở lên đều được dùng làm thuốc: Rễ thì làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy nhược gầy yếu; Lá thì chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy; thân và cành thì chữa tê thấp, đau lưng.
GỪNG
Gừng không chỉ là một loại gia vị quan trọng trong nhiều món ăn Việt, chẳng hạn như món gà kho gừng, thịt bò kho gừng… mà nó còn đóng vai trò là một vị thuốc quý có công dụng chữa nhiều thể bệnh bởi khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa quá trình oxy hóa.Gừng giúp cân bằng quá trình tiêu hóa; cải thiện tuần hoàn máu; giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn; đồng thời có tác dụng chữa các chứng đau khớp, buồn nôn, bệnh tiểu đường, hen suyễn, thậm chí là hỗ trợ miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư
TỎI
Thuộc họ hành tây, tỏi là một loại gia vị hầu như có mặt trong tất cả các món ăn của người Việt và là một loại thảo dược tự nhiên tuyệt vời. (Hàm lượng dinh dưỡng dồi dào gồm vitamin C, B6, mangan, chất xơ… nhưng lại chứa rất ít calo.)
Bộ phận được dùng phổ biến nhất của cây tỏi là phần thân củ. Củ tỏi ngoài việc là một gia vị không thể thiếu còn giúp giảm lượng cholesterol trong máu, giàu chất chống oxy hoá, giúp khôi phục hoạt động của các tế bào, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại rất nhiều bệnh tật, trong đó có cả các bệnh ung thư nguy hiểm.
Trong dân gian ta, tỏi còn là vị thuốc hay được dùng chữa cảm mạo, lỵ amíp, lỵ trực khuẩn, viêm ruột, ăn uống không tiêu, mụn nhọt
Nguồn ytevietnam.edu.vn