Bác sĩ tư vấn các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích học đường
Tai nạn thương tích học đường là nguy cơ mà bất cứ học sinh nào có thể gặp phải. Nếu không có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả rất nguy hại.
- Bác sĩ cảnh báo 6 căn bệnh rất dễ mắc vào mùa thu
- Hướng dẫn phụ huynh cách vệ sinh mũi cho trẻ nhỏ
- Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh còi xương ở trẻ như thế nào?
Theo Tin tức Y tế, đối tượng học sinh, đặc biệt là các trẻ mầm non, tiểu học là những đối tượng có nguy cơ về tai nạn thương tích học đường. Tại Việt Nam trung bình mỗi năm có đến hơn 370 nghìn học sinh bị tai nạn thương tích ở trường học như ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông… Chính vì thế người lớn cần có những biện pháp để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra để hạn chế tối thiểu những nguy cơ trẻ có thể gặp phải.
Nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích học đường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn thương tích học đường là trẻ thiếu kỹ năng tự bảo vệ. Người lớn, cha mẹ, thầy cô giáo bất cẩn trong việc chăm sóc, môi trường sống không đảm bảo an toàn.
Những tai nạn thương tích học đường hay gặp gây lo lắng cho các phụ huynh như: học sinh bị té ngã từ trên cao xuống, bị bút chì đâm thủng mông, hóc dị vật ở đường hô hấp…
Bác sĩ Anh Tú, giảng viên văn bằng 2 Cao đẳng Điều dưỡng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, lứa tuổi học sinh rất dễ gặp phải tai nạn thương tích do các em còn hiếu động, nghịch ngợm, chưa có các kỹ năng để phòng tránh.
Các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích học đường.
Các tai nạn thương tích học đường có thể phòng tránh được nếu như học sinh và người lớn có ý thức thực hiện. Các bác sĩ tư vấn sau đây là một số biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích ở trường học:
- Phòng ngừa bạo lực đánh nhau:
Nhà trường cần giáo dục cho học sinh ý thức không được đánh nhau, xô đẩy, có hành động bạo lực trong Nhà trường. Nghiêm cấm học sinh mang các vật nhọn nguy hiểm, gậy gộc, súng bắn cao su… đi học. Thầy cô cần thường xuyên giám sát học sinh mọi lúc mọi nơi, tổ chức lớp học đoàn kết, kỷ luật.
- Phòng ngừa té ngã:
Nhà trường cần củng cố cơ sở vật chất như: sân trường bằng phẳng không trơn, hành lang, cầu thang phải có tay vịn và lan can bảo vệ, bàn ghế cần chắc chắn… Không cho học sinh chơi ở những lớp học không an toàn như vách tường, mái nhà có nguy cơ đổ sập…
- Phòng ngừa đuối nước:
Nếu như địa điểm trường học ở gần ao, hồ, sông, suối, vực nước hay hố nước sâu quanh trường… phải có ngăn cách đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô dặn dò học sinh không được đến những nơi có hàng rào cấm vì có thể gây nguy hiểm.
- Phòng ngừa điện giật:
Hệ thống điện trong khu vực trường học phải được thiết kế và lắp đặt an toàn, không được để dây điện trần hoặc dây điện bị hở; vị trí lắp đặt bảng điện phải để ở ngoài tầm với của học sinh mầm non, mẫu giáo và tiểu học.
Giáo dục ý thức chấp hành giao thông cho trẻ
- Phòng ngừa tai nạn giao thông:
Cần giáo dục ý thức chấp hành luật an toàn giao thông cho học sinh, trường học có cổng trường và hàng rào bảo vệ, giờ ra chơi phải đóng cổng, không cho học sinh chạy ra đường chơi. Nhà trường cần tổ chức các buổi học ngoại khóa, hướng dẫn cho học sinh hiểu biết và thực hiện luật an toàn giao thông, nhận biết các loại biển báo giao thông trên đường đi học và về nhà.
- Phòng ngừa bỏng và nhiễm độc:
Các phòng thực hành, thí nghiệm phải có bảng dán nội quy hướng dẫn sử dụng dụng cụ, hóa chất, an toàn điện… Bảng điện lắp đặt ở những vị trí cao, tuyệt đối không đun nấu trong phòng học. Thuốc và hóa chất phải để xa ngoài tầm tay của học sinh…
Ytevietnam.edu.vn tổng hợp.