Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nên có chế độ ăn uống và luyện tập như thế nào là hợp lý
Chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể làm giảm, thậm chí đảo ngược một số yếu tố nguy cơ, giúp ngăn chặn mắc nhồi máu cơ tim cũng như tái phát bệnh.
- Không nên xem thường trong các trường hợp ho có đờm kéo dài
- Những dấu hiệu nhận biết bệnh về tim mà bạn không nên bỏ qua
- Các biện pháp giúp điều trị hiệu quả chứng co thắt thực quản
Hồi phục sau cơn đau tim thường mất vài tháng và chế độ ăn uống sau cơn đau tim là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chế độ ăn kiêng giảm cholesterol xấu, hạ huyết áp và hạ đường huyết có lợi cho những người bị bệnh tim.
Tập thể dục sau cơn đau tim cũng cần được chú ý và có những quy định riêng. Điều quan trọng là đừng vội vã phục hồi nhanh chức năng tim của bạn, cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng và các nhà vật lý trị liệu. Chăm sóc sau cơn đau tim được giám sát chặt chẽ, nhằm phục hồi sức khỏe của bạn có thể trở lại hoạt động bình thường. Quá trình này gọi là giai đoạn phục hồi tim mạch và cũng tập trung vào việc làm giảm nguy cơ tái phát một cơn đau tim khác. Nếu một người không bị đau hoặc các vấn đề khác sau cơn đau tim, họ thường có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng vài tuần, bao gồm đi bộ và quan hệ tình dục. Điều quan trọng là phải có sự đồng ý của bác sĩ.
Sau cơn đau tim nên ăn gì, tránh gì?
Đưa ra một chế độ dinh dưỡng sau khi bị cơn đau tim là một trong những bước đầu tiên quan trọng. Một số thực phẩm cần hạn chế, nhưng có một số thực phẩm bạn thích và vẫn có thể được thưởng thức.
Người bệnh tim nên ăn nhiều trái cây, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt…
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chỉ ra một loạt các thực phẩm bổ dưỡng từ tất cả các nhóm thực phẩm là tốt cho sức khỏe tổng thể của chúng ta, không chỉ riêng cho trái tim.
Thực phẩm nên ăn: trái cây và rau tươi; các sản phẩm sữa ít béo; ngũ cốc nguyên hạt; thịt gia cầm bỏ da và cá; các loại dầu như ô liu, đậu nành và hướng dương; các loại đậu, nhất là đậu nành; chocolate đen. Việc điều chỉnh các phương pháp nấu cũng có thể hữu ích. Ví dụ, hấp và nướng là tốt hơn cho sức khỏe.
Thực phẩm nên tránh: thực phẩm giàu chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa (thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, bánh nướng); thực phẩm có hàm lượng đường hoặc muối cao (thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến, khoai tây chiên, bánh kem); thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao (thịt, trứng và bơ).
Sau cơn đau tim, bạn cần tránh những thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, bởi vì những chất béo này có thể tăng lên trong máu, tích tụ tạo mảng xơ vữa và cuối cùng làm tắc nghẽn hoặc hẹp các mạch máu, dẫn đến một cơn đau tim khác. Muối có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ bị cơn đau tim. Hầu hết mọi người đều biết cholesterol là một yếu tố đóng góp cho bệnh tim và đó là lý do tại sao bệnh nhân sau cơn đau tim phải theo dõi sát sao mức cholesterol trong máu. Nên hạn chế dung nạp dưới 300mg cholesterol mỗi ngày sau khi bị cơn đau tim.
Nhiều người đã được khuyến cáo dùng chế độ ăn uống Địa Trung Hải sau một cơn đau tim. Chế độ ăn này bao gồm rất nhiều trái cây tươi và rau quả, các loại hạt, cá tươi và một lượng rất hạn chế thịt hoặc sữa.
Tập luyện sau cơn đau tim thế nào?
Điều quan trọng là phải hiểu rằng tập thể dục sau cơn đau tim là khác nhau đối với mỗi bệnh nhân. Thời gian phục hồi thay đổi ở mỗi người. Thông thường, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của một người trước khi cơn đau tim xảy ra và những hậu quả sức khỏe để lại sau cơn đau tim. Hầu hết các bệnh nhân đều cần một số loại hình phục hồi chức năng tim. Bệnh nhân nếu trải qua các chương trình phục hồi chức năng tim thường có xu hướng phục hồi nhanh hơn và đạt kết quả tốt hơn về lâu dài.
Một số hướng dẫn cơ bản trong phục hồi chức năng tim
Bắt đầu đi từ từ, tăng dần bước đi của bạn. Nếu bạn cảm thấy hụt hơi, cần bước chậm lại.
Hãy nhớ luôn có giai đoạn thư giãn và giảm cường độ vào cuối buổi tập bằng cách đi chậm hơn.
Nếu đi ra ngoài, nên đi bộ với ai đó, không nên đi một mình.
Trao đổi với bác sĩ trước khi muốn tăng trọng lượng cơ thể.
Nếu bạn nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào, chẳng hạn như thở dốc, đau hoặc đánh trống ngực, ngừng tập thể dục và liên hệ ngay với bác sĩ của bạn.
Việc thực hiện một chương trình tập thể dục sau một cơn đau tim có thể gây ra căng thẳng cho một số người và tất nhiên là không tốt. Vì vậy, nên đăng ký một chương trình phục hồi chức năng ngoại trú là một cách hay để có chương trình tập thể dục tốt nhất và giúp cho bạn tự tin về tính an toàn nhất có thể. Nhiều chương trình tim mạch có các chuyên gia hướng dẫn bạn về thay đổi lối sống và cả chế độ ăn uống lành mạnh cho tim.
Đi bộ là phương pháp thể dục phù hợp cho người bệnh tim.
Ngăn ngừa cơn đau tim thế nào?
Theo bác sĩ Chu Hòa Sơn hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhận định, đê ngăn ngừa đau tim, bệnh nhân nên thực hiện như sau:
– Tìm cách quản lý stress vì có thể làm tăng huyết áp. Tập hít thở sâu, thiền, thậm chí cả yoga là những lựa chọn tốt.
– Luôn có giấc ngủ đầy đủ, cơ thể chúng ta tự sửa chữa khi chúng ta ngủ. Lên giường ngủ đúng giờ hằng ngày và loại bỏ những ảnh hưởng của các thiết bị điện tử như tivi, máy tính xách tay và điện thoại di động sẽ giúp bạn có cơ hội tốt hơn với một giấc ngủ ngon.
– Ngừng sử dụng thuốc lá là một yếu tố chính để bệnh tim nhanh phục hồi, vì vậy nếu bạn hút thuốc, hãy có kế hoạch bỏ thuốc lá. Bạn cũng nên cố gắng tránh hít khói thuốc thụ động.
– Kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol là vô cùng quan trọng. Đôi khi, một điều chỉnh nhỏ trong lối sống cũng có thể giải quyết vấn đề về huyết áp hoặc cholesterol. Khi cần thiết, cũng có khả năng bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol.
Nguồn: suckhoedoisong.vn, Cao đẳng Dược Tp HCM