Bệnh viêm màng não mô cầu căn bệnh nguy hiểm mà mọi người nên biết
Đối tượng thường dễ bị nhiễm bệnh nhất là trẻ em và thanh niên sống trong điều kiện đông đúc. Khi có những dấu hiệu của bệnh viêm màng não mô cầu cần tới ngay những phòng khám bệnh chuyên khoa để được chữa trị kịp thời.
- Bệnh não mô cầu đã xuất hiện tại Hà Nội, nhiều sinh viên phải cách ly
- Mắc phải bệnh loạn thị là do những nguyên nhân nào gây ra?
- Zona thần kinh, căn bệnh nguy hiểm không thể phòng ngừa
Bệnh viêm màng não mô cầu (Bệnh màng não cầu) gây bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là khuẩn màng não cầu). Vi khuẩn này được chia thành 13 nhóm huyết thanh ký hiệu bằng các chữ trong bảng chữ cái như A, B và C. Đây là loại vi khuẩn trú ở vùng hầu họng, khi có điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh cho con người.
Bệnh viêm não mô cầu bao gồm các chứng viêm nặng của chất dịch và lớp màng bọc xung quanh não (viêm màng não), trong máu (nhiễm trùng huyết và nhiễm khuẩn huyết), phổi (viêm phổi), và khớp xương (viêm khớp).
Bệnh viêm màng não mô cầu lây truyền như thế nào?
Vi khuẩn lây truyền từ người sang người qua những giọt nhỏ khi ho và hắt hơi trong không khí từ mũi họng của người mang mầm bệnh. Người khỏe mạnh mà không có các triệu chứng bệnh đôi khi cũng mang vi trùng não mô cầu trong mũi và họng của họ. Việc nhiễm não mô cầu lây lan qua tiếp xúc gần gũi và không bị lây lan chỉ vì ở chung phòng với người bị bệnh. Mất từ 1 đến 10 ngày cho các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu xảy ra kể từ khi một người bị nhiễm vi khuẩn.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?
Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ban xuất huyết nhỏ trên da là dấu hiệu quan trọng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.
Biến chứng của bệnh là gì?
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể dẫn đến tử vong
Ở trẻ em, bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị; còn điều trị sớm tỉ lệ tử vong vẫn còn 5% đến 10%. 10% – 15% số trường hợp qua khỏi nhưng vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh.
Người mắc bệnh viêm màng não mô cầu có thể bị những tình trạng sau:
- Viêm màng não (Dấu hiệu bao gồm sốt, cứng gáy, lơ mơ, kích thích vật vã và bỏ ăn)
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm phổi
- Viêm khớp
- Tổn thương não vĩnh viễn
- Tử vong
Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu có shock và ban xuất huyết hoại tử gọi là tử ban tuy ít gặp hơn viêm màng não nhưng lại nặng hơn và tử vong cao hơn.
Phòng ngừa nhiễm não mô cầu
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt: Khuyến khích trẻ lớn và người lớn súc miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối loãng (nước muối sinh lý), rửa tay sạch sẽ đúng cách, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng, che miệng lúc ho, hắt hơi…
- Giữ vệ sinh nơi sinh sống, tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, phân tán tập thể quá đông đúc và giữ khoảng cách tối thiểu an toàn giữa các giường ngủ là 1,5m để hạn chế lây truyền bệnh.
- Tiêm chủng là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả chủ động bằng thuốc chủng ngừa não mô cầu sẵn có tại Việt Nam.
Điều quan trọng cần nhớ đây là một bệnh nhiễm trùng không thể lường trước có tiến triển rất nhanh chóng, cho dù được bác sĩ chuyên khoa điều trị tốt nhất. Cần phải có những biện pháp phòng tránh bệnh viêm não mô cầu hiệu quả đề phòng những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thảo – Ytevietnam.edu.vn