Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
- Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết sớm Hội chứng Cushing
- Cách phòng ngừa và điều trị bệnh viêm loét dạ dày hiệu quả
- 5 dấu hiệu đầu tiên cảnh báo gan bạn đang chứa rất nhiều độc tố
Để thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường, Tin tức Y tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bác sĩ đa khoa Trần Anh Tú – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Theo đó bạn đừng bỏ lỡ những thông tin có ngay sau đây:
Hỏi: Thưa bác sĩ, thế nào là bệnh tiểu đường?
Trả lời:
Bệnh tiểu đường (còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn ca. Trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm, khát nước, gầy sút.
Bệnh tiểu đường có hai thể bệnh chính: Bệnh tiểu đường loại 1 do tụy tạng không tiết insulin và loại 2 do tiết giảm insulin và đề kháng insulin. Cụ thể:
Loại 1 (Type 1)
Khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân bệnh tiểu đường thuộc loại 1, phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi (<20T). Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh nếu không điều trị. Giai đoạn toàn phát có tình trạng thiếu insulin tuyệt đối gây tăng đường huyết và nhiễm Ceton.
Loại 2 (Type 2)
Bệnh tiểu đường loại 2 chiếm khoảng 90-95% trong tổng số bệnh nhân bệnh tiểu đường, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30, thậm chí cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh nhân thường ít có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng của bệnh.
Hỏi: Thưa bác sĩ, triệu chứng cụ thể của bệnh tiểu đường là gì?
Trả lời:
Triệu chứng của tiểu đường Type 1: Tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh.
– Tiểu nhiều: Glucose niệu kéo theo lợi niệu thẩm thấu làm tăng lượng nước tiểu, bệnh nhân thường xuyên mắc đi tiểu hơn người bình thường. Lượng nước tiểu thường từ 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng. Tiểu dầm ban đêm do đa niệu có thể là dấu hiệu khởi phát của đái tháo đường ở trẻ nhỏ.
– Ăn nhiều: Cơ thể không thể sử dụng đường để cung cấp năng lượng làm cho bệnh nhân nhanh đói, đói chỉ sau bữa ăn một thời gian ngắn.
– Uống nhiều: Mất nước làm kích hoạt trung tâm khát ở vùng hạ đồi, làm cho bệnh nhân có cảm giác khát và uống nước liên tục.
-Gầy nhiều: Dù ăn uống nhiều hơn bình thường, nhưng do cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng, buộc phải tăng cường thoái hóa lipid và protid để bù trừ, làm cho bệnh nhân sụt cân, người gầy còm, xanh xao.
Với đái tháo đường loại 2: thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu và vì vậy bệnh thường chẩn đoán muộn khoảng 7-10 năm khi đã có biến chứng hoặc phát hiện nhờ xét nghiệm glucose máu.
Hỏi: Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh tiểu đường gây ra những biến chứng gì?
Trả lời:
Nếu bạn thường xuyên xem các chương trình như Thầy thuốc tư vấn hay Hỏi đáp bệnh học thì có lẽ tác hại của bệnh tiểu đường sẽ không còn quá xa lạ. Các biến chứng nguy hiểm trên nhiều hệ cơ quan có thể gặp phải nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, ví dụ như:
Biến chứng tim mạch
Lượng đường trong máu cao làm tăng sự lắng đọng mỡ ở thành mạch và chậm dòng chảy của máu. Từ đó khiến các mạch máu bị hẹp không thể bơm đủ máu đến tim, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Mỡ máu, xơ vữa động mạch, tắc mạch…
Biến chứng tại thận
Người bị bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao – nguyên nhân gây tổn thương các tế bào vi mạch thận, làm rối loạn chức năng lọc của thận và bài tiết nước tiểu, dẫn đến các vấn đề về thận. Nếu để lâu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng dần sẽ dẫn đến suy thận và hủy hoại chức năng thận.
Biến chứng về mắt
Người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh võng mạc mắt cao hơn. Nguyên nhân là lượng đường huyết trong máu cao làm cho các mạch máu bị nhỏ lại, võng mạc bị tắc nghẽn, có thể bị vỡ gây tấy đỏ và sưng ứ gây ra tổn thương mắt. Ngoài ra, bệnh cũng làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thậm chí dẫn đến mù lòa.
Biến chứng thần kinh
Tổn thương hệ thống thần kinh là biến chứng đa số người bệnh tiểu đường mắc phải. Lượng đường trong máu quá cao sẽ dẫn đến tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Vì vậy, các dây thần kinh không nhận được đủ chất dinh dưỡng hàng ngày và oxy. Từ đó dẫn đến yếu cơ, thay đổi cảm giác, tê bì hoặc kim châm chủ yếu ở các ngón tay.
Chậm lành vết thương
Lượng đường cao trong máu làm cho các mạch máu hẹp và cản trở lưu thông máu, dẫn đến các vết thương khó lành hơn.
Cảm ơn bác sĩ Trần Anh Tú vì những chia sẻ bổ ích trên!
Nguồn: ytevietnam.edu.vn