Cà độc dược: Liều dùng và công dụng trị bệnh
Cây cà độc dược có tác dụng làm thuốc chữa hen, chữa ho, đau dạ dày, say xe say sóng, tuy nhiên đây là loại cây có độc nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Một số loại cây thuốc dân gian điều trị đi tiểu dắt ở trẻ
- Những công dụng của cây ba kích đối với sức khỏe
- Tác dụng chữa bệnh của cây Cẩu tích trong Y học cổ truyền
Cà độc dược có tên khoa học: Datura metel L. họ Cà – Solanaceae.
Tại Việt Nam, cà độc dược còn có tên khác là cà dược, cà diên, mạn đà la, độc giã, sùa tùa, lục lược…
Đặc điểm thực vật của cà độc dược
Theo Dược học cổ truyền, cà độc dược là cây thuộc thảo, mọc hàng năm, cao 1-1,5m; toàn thân hầu như nhẵn, cành non và các bộ phận non có lông tơ ngắn.
Lá đơn mọc cách, ở gần ngọn mọc đối hay mọc vòng, phiến lá hình trứng dài 9-16cm, rộng 4-9cm, gốc lá lệch, ngọn lá nhọn, mép lá ít khi nguyên thường lượn sóng hoặc hơi sẻ 3-4 răng cưa, mặt lá lúc non có nhiều lông sau rụng dần.
Hoa to mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống hoa dài 1-2cm, đài hoa hình ống có gân nổi lên rõ rệt, dài 5-8cm, rộng 1,5-2cm. Khi hoa héo một phần còn lại trưởng thành cùng quả giống như hình cái mâm. Tràng to hình phễu, có màu trắng hoặc tím.
Quả hình cầu mặt ngoài có gai đường kính chừng 3cm, quả non màu xanh, khi già màu nâu, có nhiều hạt trứng dẹt, dài 3-5mm, dày 1mm, cạnh có vân nổi.
Phân bố, trồng hái của cà độc dược
Cây mọc hoang và được trồng ở khắp Việt Nam, Cămpuchia, Lào, ấn Độ, Trung Quốc… để làm cảnh và làm thuốc. Cây mọc ở nơi đất hoang ẩm, nhiều mùn. Nước ta có nhiều ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Ninh Thuận…
Thu hái lá lúc cây sắp ra hoa và đang ra hoa (từ tháng 5 – 6 đến hết tháng 9 – 10) hoa hái vào tháng 8 – 9 – 10. Hạt lấy từ quả chín già ngả màu nâu.
Bộ phận dùng, chế biến của cà độc dược
Lá (Folium daturae metelis) phơi hay sấy khô (hay dùng nhất).
Hoa (Flos Daturae metelis) phơi hay sấy khô.
Hạt (Semen Daturae metelis) phơi hay sấy khô.
Chế biến: sau khi phơi sấy khô, tán bột có thể chế cao lỏng hay dạng cồn có khi làm thuốc thang sắc uống.
Thành phần hoá học của cà độc dược
Dược sĩ Đỗ Thu – giảng viên Liên thông Cao đẳng Dược tư vấn tại fanpage Tin tức Y tế Việt Nam – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay, hầu hết các bộ phận của cây đều chứa alcaloid, trong đó alcaloid chính là: L.scopolamin (=hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin. Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá 0,1-0,6%; rễ 0,1-0,2%; hạt 0,2-0,5%; quả 0,12%; hoa 0,25-0,60%.
Ngoài alcaloid trong lá, rễ còn có flavonoid, saponin, coumarin, tanin, trong hạt còn có chất béo.
Tác dụng và công dụng của cà độc dược
Cà độc dược là vị thuốc độc đã được biết từ lâu, tác dụng gần giống Benladon.
Scopolamin có tác dụng ức chế hệ cơ trơn và các tuyến tiết như Atropin, song có khác là tác dụng ngoại biên kém hơn như làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn, tác dụng ức chế thần kinh trung ương rõ rệt hơn. Vì vậy người ta thường dùng Scopolamin trong gây mê, dùng trong khoa thần kinh chữa động kinh, chữa co giật trong bệnh Parkinson.
Cà độc dược dùng chữa ho, hen suyễn. Làm thuốc giảm đau trong các trường hợp viêm loét dạ dày, hành tá tràng, đau quặn ruột hoặc các cơn đau thắt khác, làm thuốc chống say sóng, buồn nôn khi đi tàu xe, máy bay; ngoài ra còn dùng chữa đau cơ, tê thấp cước khí.
Dùng ngoài đắp vào mụn nhọt giảm đau nhức.
Dạng dùng và liều lượng của cà độc dược
Bột lá dùng cho người lớn 0,1g/lần; 0,2-0,3g/24 giờ.
Cao lỏng 1/1: 0,1g/lần; 0,2-0,3g/24 giờ.
Cao mềm: 0,01g/lần, 0,03g/24 giờ.
Cồn 1/10: 0,5g/lần; 1-2g/24 giờ.
Hoa hoặc lá cà độc dược thái nhỏ phơi khô cuốn vào giấy hút như thuốc lá ngày hút 1-1,5g trước khi lên cơn hen.
Những người cơ thể suy yếu, bệnh nhãn áp cao không nên dùng.
Chú ý ngoài cây cà độc dược ở nước ta còn có một số loại di thực khác như: Datura innoxia Mill. và Datura Stramonium L. (cần tham khảo thêm).
Nguồn: ytevietnam.edu.vn