Cách điều trị bỏng nước sôi tại nhà hiệu quả không để lại sẹo
Cách điều trị bỏng nước sôi sao cho nhanh chóng và hiệu quả nhất là điều cần thiết mà mọi người cần biết để tránh những tổn thương đáng tiếc do bỏng nước sôi gây ra.
- Bỏng ở trẻ em và cách xử lý khi trẻ bị bỏng cha mẹ nên biết
- Làm thế nào để xử lý bỏng nước sôi hiệu quả nhất?
- Nhận diện 4 nguyên nhân gây bỏng chủ yếu hiện nay.
Bỏng nước sôi
Bỏng nước sôi là một trong những hình thức của bỏng nhiệt, do nước nóng đang sôi dội vào cơ thể, gây cảm giác đau rát khó chịu cho nạn nhân. Nếu không kịp điều trị bỏng nước sôi kịp thời có thể gây ra những thương tổn lâu dài ảnh hưởng đến đời sống và thẩm mỹ cho nạn nhân.
Đối tượng thường bị bỏng nước sôi nhiều nhất là trẻ em và người già. Việc sơ cứu kịp thời và đúng phương pháp không chỉ giảm thương tổn do bỏng nước sôi gây nên mà còn giúp vết bỏng nhanh lành, không để lại sẹo lâu dài.
Dưới đây là cách xử lý bỏng nước sôi hiệu quả tại nhà mà bạn có thể tham khảo để biết cách sơ cứu cho mình và người thân trong gia đình.
Bước 1: Làm mát vết bỏng bằng nước
Khi bị bỏng, điều đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng (Chú ý với trường hợp vết bỏng lớn không lột bỏ quần áo nạn nhân vì có thể khiến vùng da bỏng bị ảnh hưởng).
Lấy lại nhiệt độ bình thường cho vùng da bị bỏng bằng cách ngâm vùng da vào vòi nước chảy khoảng 5 phút hoặc ngâm vùng da bị bỏng trong nước lạnh 16 0 20 độ C là cách chữa bỏng nước sôi hiệu quả.
Việc điều trị bỏng nước sôi bằng cách ngâm vào nước không chỉ giúp giảm nhiệt độ của vùng da bị bỏng mà còn giảm sưng đỏ, hạn chế độ sâu do vết bỏng gây ra và bớt cảm giác đau rát có thể gây sốc cho nạn nhân.
Lưu ý: Cách chữa bỏng bằng ngâm nước chỉ đạt hiệu quả khi để nước ở nhiệt độ phù hợp, không sử dụng nước đá, đá cục sẽ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn.
Bước 2: Băng bó vết thương
Băng bó vết thương là bước quan trọng để tránh tổn thương cho vùng da bị bỏng để tránh vết thương bị nhiễm trùng. Ngoài ra, băng bó vết thương còn là cách để bảo vệ vết bỏng không bị tiếp xúc với không khí, mụn nước và giảm đau hiệu quả.
Khi băng bó vết bỏng nước sôi cần chú ý những điều sau:
- Chọn loại gạc vô trùng, gạc vaseline hoặc vải sạch không có lông tơ để tránh hiện tượng lông tơ bết dính vào vùng da bị bỏng.
- Chỉ nên quấn hờ, lỏng quanh vết bỏng, không quấn quá chặt sẽ tạo áp lực lên vết thương.
- Nếu không có băng gạc vô khuẩn, thay vì chọn loại vải khác để băng bó vào vết thương, tốt nhất bạn hãy giữ nguyên vết thương để việc chữa bỏng nước sôi đạt hiệu quả cao nhất, tránh nguy cơ nhiễm trùng gây tác hại nguy hiểm hơn.
Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế
Sau khi sơ cứu nạn nhân bằng cách ngâm vết thương vào nước mát và băng bó đúng cách, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.
Với những vết bỏng nhẹ, không cần thiết phải đưa đến bệnh viện, người nhà có thể ngâm nước hoặc xả nước vào vùng da bị bỏng, sau đó dùng thuốc mỡ trị bỏng để bôi lên vết thương. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng tác dụng như chữa bỏng bằng nước mắm hay lòng trắng trứng…
Những lưu ý khi chữa bỏng nước sôi
- Cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay khi bị bỏng sẽ có tác dụng tốt hơn và khả năng để lại sẹo ít hơn.
- Với các vết thương đã xuất hiện vết phồng rộp, không chọc hay nặn vỡ các bọng nước đó sẽ gây lở loét và nguy cơ nhiễm trùng.
- Nên tìm cách cởi bỏ quần áo nạn nhân để tránh hiện tượng bết dính vào vết bỏng, tuy nhiên nếu bị bỏng lớn, không nên tìm mọi cách để cởi bỏ quần áo vì có thể khiến vết thương bị cọ xát khiến thương tổn trở nên nặng nề hơn.
- Các phương pháp truyền miệng, đá viên, kem đánh răng…chưa bao giờ là cách chữa bỏng hiệu quả.
Bỏng nước sôi là tai nạn rất dễ gặp ở mọi gia đình. Do đó, mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cách chữa bỏng để nhanh chóng xử lý vết thương hiệu quả nhất, cứu sống mình và những người xung quanh.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn