Cách xử lý hạ canxi huyết đúng nhất
Cùng với hạ đường huyết, hạ huyết áp thì hạ canxi huyết cũng là một trong những tình huống thường gặp đòi hỏi được xử trí và chăm sóc đúng cách. Vậy bạn cần xử lý sao cho đúng cách?
- Các biến chứng thường gặp của u xơ tiền liệt tuyến
- 5 lời khuyên chăm sóc sức khỏe nơi công sở chuẩn nhất
- Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu vitamin B1
Cách xử lý hạ canxi huyết đúng nhất
Bác sĩ Trần Anh Tú – Giảng viên trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đưa ra những kiến thức quan trọng giúp bạn đọc xử lý tình huống hạ canxi huyết ngoài thực tế.
Canxi có vai trò gì?
Canxi là một trong những khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như: Nguyên liệu quan trọng trong quá trình cốt hóa của xương, phát triển và lành xương, tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền xung động thần kinh, giải phóng các hormone và yếu tố đông máu…
Thiếu canxi ở trẻ em gây còi xương, chậm phát triển chiều cao và các rối loạn do kích thích thần kinh. Thiếu canxi ở người lớn gây loãng xương, còng lung, gai cột sống và những bệnh lý toàn thân nguy hiểm khác.
Canxi đưa vào qua thực phẩm, thuốc được hấp thu qua ruột và đào thải lượng dư thừa qua thận. Theo tính toán nhu cầu canxi hàng ngày phải đảm bảo cung cấp 1000mg canxi qua đường ăn uống. Canxi muốn hấp thu được vào máu cần sự có mặt của vitamin D.
99% canxi trong cơ thể nằm trong xương, và chỉ 1 % canxi ở dạng tự do, lưu thông trong máu, dịch ngoại bào để đảm bảo nồng độ canxi huyết từ 8,8 đến 10,4 mg/dl.
Nồng độ canxi trong máu sẽ được dy trì ổn định nhờ 1 % canxi tự do, tuy nhiên khi lượng canxi cung cấp không đủ, lượng canxi tự do cạn kiệt sẽ gây hạ nồng độ canxi trong máu nhỏ hơn 8,8 mg/dl gọi là hạ canxi huyết.
Hạ canxi huyết biểu hiện như thế nào?
Hạ canxi huyết khởi phát với các triệu chứng: Tê môi, tê lưỡi, tê các đầu ngón tay, đầu ngón chân. Sau đó là sự co cơ khắp cơ thể. Đặc biệt co thắt các cơ ở tay tạo ra dấu hiệu “Bàn tay đỡ đẻ” với các ngón tay co quắp không xòe ra được, co thắt các cơ ở chân tạo ra dấu hiệu “Bàn đạp”. Cùng với đó co thắt các cơ vùng mặt khiến khuôn mặt biểu cảm khác thường, co thắt các cơ hô hấp gây khó thở. Trường hợp nặng có thể có co giật toàn thân hoặc co giật khu trú .
Cơn hạ canxi thường khởi phát khi có kích thích thần kinh như: Cãi vã, tức giận, căng thẳng, cảm sốt…
Hạ canxi huyết biểu hiện như thế nào?
Những đối tượng thường gặp bệnh chuyên khoa như hạ canxi phải kể đến: Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai, bà mẹ cho con bú, chế độ ăn nghèo nàn thiếu thốn hoặc những người có mắc một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa kéo dài làm kém hấp thu canxi, bệnh lý về thận làm tăng đào thải canxi
Xử trí khi bị hạ canxi máu
Khi bắt gặp trường hợp hạ canxi huyết việc đầu tiên cần nhận định bệnh nhân đúng là hạ canxi huyết thông qua các biểu hiện ở trên.
Đưa bệnh nhân ra chỗ mát mẻ, an toàn để nghỉ ngơi, cố gắng giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu có ngất ấn huyệt nhân trung để hồi tỉnh cho bệnh nhân, nếu có co giật giữ an toàn cho bệnh nhân bằng cách nằm trên nền phẳng loại bỏ vật dụng nguy hiểm xung quanh, kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân.
Nếu có canxi dạng nước hoặc dạng viên sủi pha cho bệnh nhân uống (kiểm tra đồ của bệnh nhân rất có thể có mang theo), nếu bênh nhân cứng miệng cần dùng thìa mở miệng bón vào miệng bệnh nhân.
Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử lý những bước tiếp theo.
Bác sĩ Tú có đưa ra lời khuyên cho bạn đọc để phòng tránh hạ canxi huyết: Nên chú ý chế độ ăn đầy đủ canxi thông qua thực phẩm như: Tôm, cua, cá kho nhừ cả xương, sữa đậu nành, sữa bò nguyên kem, rau cải thìa, đậu bắp… Hạn chế cà phê, rượu, thuốc lá do những chất này làm giảm khả năng hấp thu canxi. Kết hợp với tắm nắng mặt trời buổi sáng để da tổng hợp vitamin D, bổ sung canxi theo chỉ định của thầy thuốc
Nguồn ytevietnam.edu.vn