Cận thị giả là gì? Nguyên nhân gây ra cận thị giả
Áp lực công việc, tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại…dẫn đến tình trạng bệnh cận thị ngày càng phổ biến. Ít người trong chúng ta biết rằng, những nguyên nhân trên ngoài gây ra cận thị còn tiềm ẩn một tật khúc xạ khác có biểu hiện tương tự, gọi là cận thị giả.
- 6 phương pháp phòng tránh cận thị học đường hiệu quả
- Dấu hiệu nhận biết bệnh cận thị và cách phòng tránh hiệu quả nhất
- Mách bạn 7 món ăn dân gian chữa cận thị hiệu quả
Cận thị giả chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số người cận thị, nhưng đa số mọi người đều lạ lẫm về chứng bệnh này, dẫn đến việc đeo kính và điều trị không đúng với tính chất bệnh. Vậy cận thị giả là gì?
Cận thị giả là gì?
Cận thị giả là một dạng rối loạn điều tiết ở mắt, có các biểu hiện giống với cận thị: không nhìn được các vật ở xa, chỉ nhìn được những hình ảnh ở cự ly gần.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, người bệnh cận thị không thể nhìn xa nếu không đeo kính hoặc điều trị y khoa, tuy nhiên những trường hợp cận thị giả, mắt hoàn toàn có thể trở lại bình thường sau khi được nghỉ ngơi hợp lý. Bởi vậy cận thị giả còn được gọi là cận thị tạm thời.
Sở dĩ mắt có những dấu hiệu cận thị giả do làm việc ở cự ly gần (đọc sách, chơi game, lướt web…) trong thời gian dài khiến cơ thể mi co lại, bị co lâu ngày sẽ mất khả năng đàn hồi, dẫn đến mắt không thể nhìn xa. Một thí nghiệm cho thấy trong số những người nhìn gần liên tục 7 giờ thì có khoảng 60% số người bị cận thị giả.
Nguyên nhân gây cận thị giả
Không khó để phát hiện và điều trị cận thị giả nếu có hiểu biết về chúng. Không ít trường hợp người bệnh lầm tưởng mình bị cận thị dẫn đến đeo kính không phù hợp. Nguyên nhân gây cận thị giả có thể bắt nguồn từ những điều sau:
- Làm việc liên tục với cự ly gần trong thời gian dài khiến mắt phải điều tiết liên tục dẫn đến mắt nhức mỏi, đau đầu, chảy nước mắt.
- Do chủ quan của người bệnh, khi mắt có hiện tượng mờ đi không đến khám tại các phòng khám chuyên khoa mắt mà đi cắt kính tại tiệm kính luôn.
- Cơ thể mắc một số chứng bệnh như chấn thương mắt, viêm thể mi, dùng atropine trong thời gian dài…
Trong đó, việc chủ quan không đi khám mà tự ý cắt kính của người bệnh là nguyên nhân chính khiến bệnh ngày càng tiến triển. Việc chuẩn đoán cận thị giả không khó với các bác sĩ chuyên khoa mắt, còn tại các hiệu kính, nhân viên rất khó phát hiện chính xác bệnh vì chỉ dựa vào các chỉ số của máy.
Làm thế nào để điều trị cận thị giả?
Chữa cận thị giả rất đơn giản nếu được phát hiện đúng cách và điều trị đúng lúc. Để điều trị cận thị giả, có những lưu ý không được bỏ qua như sau:
- Với trường hợp cận thị giả do làm việc ở khoảng cách gần, bạn chỉ cần nhỏ thuốc nhỏ mắt kết hợp nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp mắt trở lại thể trạng bình thường.
- Nếu mắt ở thể nặng, bệnh nhân sẽ được dùng kính chuyên dụng để giúp quá trình điều tiết ở mắt nhẹ nhàng hơn, ngừng đeo khi mắt đã được phục hồi.
- Để tránh tình trạng mệt mỏi vì làm việc trong thời gian dài cho mắt, cứ làm việc 1 giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng các động tác massage cho mắt hoặc nhìn ra những khoảng màu xanh để mắt thư giãn.
- Khi làm việc giữ khoảng cách hợp lý, tối ưu cho mắt, không nhìn quá gần vào vật thể.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin A, B, D… trong thực phẩm và thuốc nhỏ mắt để mắt chống mệt mỏi và thoái hóa.
Cận thị giả không khó chữa, nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến cận thị thật và nhiều hệ quả nguy hiểm cho mắt khác. Khám mắt định kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện chính xác các tật về mắt, từ đó có cách điều trị phù hợp. Một đôi mắt khỏe đẹp chỉ khi chúng ta biết quan tâm và có chế độ chăm sóc hợp lý, đúng cách.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn