Có nên phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm trị mồ hôi tay không?

Phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm trị mồ hôi tay là một trong những phương pháp ngoạn mục nhất hiện nay. Tuy nhiên vì sao đây được xem là phương án cuối cùng mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân khi đã dùng tất cả các phương pháp khác mà không khỏi? Liệu phương pháp này có thực sự điều trị dứt điểm? Những biến chứng có thể gặp phải khi cắt hạch thần kinh giao cảm là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Cắt hạch thần kinh giao cảm là phương pháp ngoạn mục trị bệnh đổ mồ hôi tay

Ưu điểm của phương pháp này

Theo các chuyên gia Y tế Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây bệnh mồ hôi tay là do chứng cường giao cảm. Tức là khi hệ thống thần kinh bị kích thích bởi các yếu tố như căng thẳng, stress lâu ngày làm các chức năng của cơ thể bị rối loạn. Do đó dây thần kinh giao cảm hoạt động mạnh không bình thường, gây nên hiện tượng tăng tiết mồ hôi tay. Chính vì vậy, để điều trị bệnh mồ hôi tay, cần cắt hạch thần kinh giao cảm chi phối quá trình bài tiết ở tay người bệnh.

Hiện nay, kỹ thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực qua nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp mổ mở trước đây như xâm nhập ít nhất, giảm tối đa các biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và sẹo nhanh lành, tính thẩm mỹ cao. Đối với những bệnh nhân như anh Hoan (25 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì đây là một niềm vui không tưởng. Vì chỉ sau 1 giờ được phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực qua ngả nội soi lồng ngực hai bên, mồ hôi tay của anh tiết ít dần và từ từ không còn đổ nữa. Anh lại có thể tiếp tục đam mê vẽ tranh bằng chất liệu cát của mình.

Với công nghệ phẫu thuật mới nhất, bệnh nhân nửa nằm nửa ngồi, bác sĩ tiếp cận khoang lồng ngực bằng hai lỗ Trocar rất nhỏ và tiến hành cắt hạch thần kinh giao cảm. Sau 2 tháng, sẹo gần như mờ hẳn.

Những hạn chế của phương pháp này

Tuy nhiên, phương pháp trị mồ hôi tay này cũng có những hạn chế nhất định, ẩn chứa nguy cơ biến chứng cao khi phẫu thuật, nên trong trường hợp tất cả các phương pháp điều trị nội khoa và thay đổi lối sống để trị bệnh mồ hôi nhiều không có kết quả, bác sỹ mới lựa chọn đây là giải pháp sau cùng làm giảm bài tiết mồ hôi. Cụ thể là:

Sau khi phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm thành công, có tới 20% bệnh nhân chịu hiện tượng đổ mồ hôi bù trừ, khi mồ hôi tay ngừng tiết thì các vị trí khác như nách, bẹn, lưng, chân sẽ tiết mồ hôi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu điều hòa thân nhiệt, đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi bù trừ ở nách và các vùng khác sau khi cắt hạch thần kinh giao cảm

Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm khác trong và sau điều trị. Theo thống kê, có 2,7% bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, 2% bệnh nhân bị tràn khí dưới da và 0,1%-1% bị tràn máu màng phổi và 0,4% xẹp một phân thùy phổi khi thực hiện phẫu thuật cắt hạch giao cảm trị mồ hôi tay.

Trong quá trình phá hủy hạch giao cảm, một bó dây thần kinh quanh đó cũng có thể bị tổn thương, gây các biến chứng như sụp mí mắt hoặc mồ hôi chỉ ra một nửa mặt. Trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể thấy đau ở vai và mặt ngoài cánh tay. Đối với những bệnh nhân không chịu được gây mê với thông khí chọn lọc một bên phổi hoặc nhồi máu cơ tim và rối loạn đông máu thì không nên thực hiện phương pháp này.

Bệnh nhân cần biết rõ những biến chứng có thể gặp để quyết định tốt nhất

Khi quyết định tiến hành phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm trị mồ hôi tay, Bác sĩ và bệnh nhân cần trao đổi kỹ về khả năng thành công, cũng như những biến chứng có thể gặp phải, đặt lên bàn cân giữa lợi ích và rủi ro, được và mất để có quyết định tốt nhất cho người bệnh.

Vũ Giang – Ytevietnam.vn

Exit mobile version