Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Thời tiết thay đổi thất thường chính là nguyên nhân khiến rất nhiều trẻ bị dị ứng, việc nhận biết được dấu hiệu và cách điều trị dị ứng thời tiết sẽ hạn chế tối đa nguy hiểm cho trẻ.
- Lưu ý khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em phụ huynh cần biết
- Bà bầu nên dùng thuốc bổ như thế nào là đúng cách?
- Chăm sóc sức khỏe trẻ em khi thời tiết giao mùa cần lưu ý gì?
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng thời tiết
Bác sĩ Phạm Văn Hữu giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, dị ứng là một trong những phản ứng thường gặp của cơ thể khi gặp các tác động từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết giao mùa dễ sinh ra các chất gây dị ứng, mẩn ngứa. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến dị ứng thời tiết ở trẻ còn có thể do: Phấn hoa, bụi bẩn, nhiệt độ tăng hoặc giảm đột ngột, áp suất khí quyển giảm đột ngột,…
Dị ứng thời tiết, bệnh không chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí và khả năng sinh hoạt thường ngày của trẻ. Chính vì thế, bố mẹ cần tìm hiểu dấu hiệu của dị ứng thời tiết và nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục cho trẻ.
Phát ban ở da là biểu hiện đầu tiên và điển hình của hiện tượng trẻ bị dị ứng thời tiết. Lúc này, da của trẻ sẽ xuất hiện các vết sẩn, ban đỏ có giới hạn rõ rệt, tròn hoặc như vết muỗi đốt, khi ấn vào có cảm giác căng. Thông thường, các vết ban này sẽ xuất hiện ở những vùng da ít được che chắn như tay, chân, cổ, mặt, thậm chí toàn thân. Trong trường hợp này, bố mẹ nên theo dõi các nốt phát ban có kèm theo ngứa, khó chịu, nóng rát không; rồi chờ khoảng 1 – 2 ngày, nếu tình trạng không đỡ thì nhanh chóng đưa con đến gặp Bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Ngoài các vết phát ban, bé còn có thể gặp các rắc rối khác như: Da bị khô nứt, tróc vảy khô, da đỏ ửng hoặc bị sưng nhiều chỗ. Bên cạnh đó, bé còn có thể bị sốt, mất nước và chán ăn, tập trung kém, học tập và vận động kém đi.
Khi bị dị ứng thời tiết, trẻ thường sẽ gặp tình trạng viêm mũi dị ứng với các biểu hiện như: Hắt hơi nhiều lần, có nhiều dịch mũi, hốc mũi hoặc đường thở bị tắc nghẹt khiến việc thở trở nên khó khăn. Ngoài ra, hiện tượng này còn rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường, do vậy bố mẹ nên đưa con đến gặp Bác sĩ chuyên khoa nếu thấy xuất hiện các biểu hiện trên.
Nên thoa kem dưỡng ẩm cho bé để hạn chế dị ứng thời tiết
Cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Điều dưỡng viên Lâm Thị Nhung giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TP HCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, khi trẻ bị dị ứng thời tiết, mẩn ngứa thì cần vệ sinh cơ thể bé thật sạch sẽ bằng cách tắm cho trẻ mỗi ngày bằng nước ấm khoảng 15 – 20 phút. Lưu ý, không nên tắm cho bé bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh và nhanh chóng lau khô người cũng như bôi chất làm ẩm ngay khi tắm cho bé xong.
Thường xuyên bôi chất dưỡng ẩm phù hợp lên da để duy trì độ ẩm cho da bé khi thời tiết hanh khô. Bên cạnh đó, cần duy trì cho trẻ một giấc ngủ và tâm lý ổn định; bởi stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến thói quen gãi ngứa ở trẻ. Đồng thời, cắt móng tay, mang bao tay, tất cho trẻ, đặc biệt là ban đêm để tránh tổn thương da do gãi hay chà xát mạnh vào chỗ ngứa để tránh nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, nên cho trẻ mặc những bộ trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tránh việc các vết mẩn ngứa bị bí sẽ khiến tình trạng bệnh lâu khỏi hơn. Hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn dễ gây dị ứng cũng như không cho bé chơi dưới đất, chơi với chó mèo hay thú nhồi bông.
Thêm vào đó, nên tăng cường cho trẻ uống nước và ăn nhiều trái cây để tăng cường sức đề kháng. Cuối cùng, không tự ý cho bé uống thuốc và phải tuân thủ các chỉ định hoặc hướng dẫn của Dược sĩ và các Bác sĩ chuyên khoa.
Thanh Mai – ytevietnam.edu.vn