Đề phòng những dịch bệnh bùng phát trong dịp Tết 2017
Chỉ còn không ít ngày nữa là đến dịp Tết Nguyên Đán 2017, đây là khoảng thời điểm các dịch bệnh cuối năm phát triển và bùng phát một cách nhanh chóng, có chiều hướng lây lan rộng. Tuy nhiên một số dịch bệnh đa số mọi người chủ quan lại gây không ít phiền toái nếu như mắc phải.
- Phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà 102 tuổi
- Bộ Y Tế không trả lời được chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
- Bộ Y tế: Đề xuất nới lỏng chính sách sinh con
Chớ coi thường bệnh cảm cúm
Đa số mọi người thường hay nghĩ bệnh cảm cúm là đơn giản nên thường chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Theo ghi nhận của bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh, gần đây đã tiếp nhận một ca bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, vã mồ hôi, da tím tái và khó thở được chuẩn đoán là hen phế quản. Do chủ quan nên chị đã tự ngưng thuốc điều trị bệnh hen bẩm sinh, hơn nữa gần đây chị có biểu hiện ho, hắt hơi nghĩ là cảm nhẹ nên tự mua thuốc điều trị bệnh.
Việc sử dụng sai thuốc khiến chị không những không khỏi bệnh mà còn khiến sức đề kháng suy giảm, thuốc ức chế ho là nguyên nhân làm ứ đọng đàm nhớt, kích thích co thắt phế quản một cách nghiêm trọng và làm cơn hen bùng phát một cách nhanh chóng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, đa số mọi người thường nghĩ bệnh cảm cúm là một bệnh thông thường nên khá chủ quan. Trên thực tế đã không ít trường hợp người bệnh không điều trị kịp thời khiến bệnh tiến triển nhanh chóng và trở nên nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong. Những triệu chứng của bệnh cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu thường hay bị nhầm lẫn với những loại bệnh lý học khác. Nếu không phân biệt được rõ ràng dịch bệnh cúm, tự ý điều trị thuốc khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn và khó điều trị.
Dịch thủy đậu bùng phát mạnh mẽ
Một trong những loại bệnh dịch nguy hiểm và bùng phát dịp cuối năm đáng sợ nhất phải nói đến thủy đậu. Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm và phát triển mạnh.
Theo tin tức mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng, dịch bệnh thủy đậu đã bùng phát trong những ngày đầu năm 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh với 31 công nhân tại khu Công nghiệp Tân Thuận – Quận 7 mắc dịch bệnh này. Một trường hợp khác được thông báo tại Công ty TNHH nằm tại quận Tân Bình cũng đã có 5 người mắc căn bệnh này.
Bệnh thủy đậu là bệnh thường gặp trong thời điểm từ tháng 12 đến tháng 6, đặc biệt trong tháng 2,3,4 và 5 là giai đoạn có số ca bị nhiễm thủy đậu tăng cao nhất. Bệnh lây lan một cách nhanh chóng, việc chăm sóc người bệnh cũng cần phải chú ý đeo găng tay, khẩu trang và rửa tay sau khi bôi thuốc. Tuyệt đối không nên kiêng tắm và kiêng ăn theo như quan niệm của một số người. Người bệnh cần được chăm sóc ăn uống đầy đủ và vệ sinh cơ thể tránh việc nhiễm trùng da.
Bùng phát dịch Zika
Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2017 dịch bệnh do virus Zika còn diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm này, tại TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 200 trường hợp nhiễm virus, hai nơi có số bệnh nhân nhiễm bệnh cao nhất là quận Bình Thạnh và quận 2. HIện có khoảng 20 trường hợp phụ nữ đang mang thai đang được theo dõi.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo thời điểm khí hậu vào dịp cuối năm đặc biệt là trong dịp Tết dịch bệnh bùng phát một cách mạnh mẽ, vì vậy người dân nên chủ động phòng tránh bệnh một cách hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ thông thoáng nơi ở, phun thuốc khử trùng và tránh tồn đọng ứ nước.
Theo đánh giá của PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng -Bộ Y tế, dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp và khó lường nên bên cạnh việc phòng chống người dân cũng nên chủ động phòng tránh bệnh tại chính nơi ở của mình. Ngành Y tế cũng đã đưa ra nhiều phương án dự phòng cũng như chủ động ứng phó với các tình huống xấu nhất xảy ra.
Phương Vy-Ytevietnam.edu.vn