Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, bệnh viện khan hiếm máu

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Trong khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang trong thời điểm “nóng”, số lượng người nhập viện không ngừng tăng thì nhiều người dân lại không ý thức được việc tự phòng tránh, thậm chí là thiếu hiểu biết về muỗi vằn – tác nhân truyền dịch bệnh.

Dịch sốt xuất huyết đang trong thời điểm "nóng"
Dịch sốt xuất huyết đang trong thời điểm “nóng”

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Hiện, dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở nhiều địa phương, nhất là TP. HCM và Hà Nội. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc bệnh, 18 người tử vong do dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

Riêng đối với Hà Nội, năm nay dịch sốt xuất huyết xuất hiện và bùng phát sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái và diễn biến phức tạp. Tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Khoa Truyền nhiễm) thường trong tình trạng quá tải do người đến khám và nhập viện điều trị sốt xuất huyết quá lớn. Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ 2 tuần trước, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch sốt xuất huyết là do mùa mưa đến sớm tại phía Nam và mùa hè đến sớm tại phía Bắc. Nhiệt độ trung bình ở hầu hết khu vực cao hơn những năm trước dẫn đến véctơ truyền bệnh là muỗi phát triển mạnh. Đồng thời, nguyên nhân còn do tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm, xử lý phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Bệnh viện kêu gọi hiến tiểu cầu

Theo các bác sĩ chuyên khoa, biết tiểu cầu là một trong những tế bào máu có chức năng cầm máu. Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết, dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh, số lượng tiểu cầu cần cho điều trị bệnh nhân có thể sẽ tăng. Để không xảy ra tình trạng thiếu hụt, các bệnh viện đang vận động người dân đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên.

Thời gian sống của tiểu cầu trong cơ thể là 7-10 ngày, khi lấy ra ngoài bảo quản chỉ sống được 5 ngày. Do đó việc vận động nguồn hiến phải trên cơ sở cân bằng động, không dư thừa gây lãng phí nhưng cũng không để thiếu hụt.

Cần có những biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả nhất
Cần có những biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả nhất

Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng cần phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện 5 hành động để phòng, chống dịch:

  • Thứ nhất, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thứ hai, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
  • Thứ ba, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Thứ tư, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Thứ năm, khi bị sốt, đến ngay bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Đây chính là những cách giúp bạn “chiến đấu” ngăn ngừa mắc bệnh sốt xuất huyết.

Thu Hằng – Ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới