Điều trị bệnh hở van tim hai lá nặng như thế nào?

Bệnh hở van tim hai lá có nguy cơ dẫn đến suy tim sung huyết, rung tâm nhĩ, ảnh hưởng đến cuộc sống, tuổi thọ, tính mạng người bệnh. Phẫu thuật thay van tim được xem là giải pháp cuối cùng để điều trị bệnh hở van tim hai lá nặng

Chỉ bệnh nhân hở van tim hai lá mức độ nặng mới phẫu thuật thay van tim

Lợi ích của việc thay van tim cho bệnh nhân hở van tim hai lá nặng

Phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân hở van tim hai lá được tiến hành khi tình trạng hở van tim quá nặng, việc sữa chữa van tim không phù hợp, hoặc không có kết quả và chỉ tiến hành khi bệnh nhân đồng ý thay van tim. Khi phẫu thuật, van tim của người bệnh sẽ được thay thế bằng một van tim nhân tạo có kích thước tương đương. Van tim mới nhân tạo này được khâu một cách chắc chắn vào tổ chức mô của vòng van cũ.

Sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo, phần lớn bệnh nhân có sự tiến triển theo chiều hướng tốt, có thể làm được những công việc mà trước phẫu thuật họ không đủ sức làm được. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể được cải thiện tốt lên mỗi ngày trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, một số trường hợp có thể cần tới tới 1 năm. Sự phục hồi của bạn phụ thuộc nhiều vào chế độ tập luyện hoạt động thể lực và sự tuân thủ điều trị từ bác sĩ của bạn.

Lựa chọn van tim nhân tạo nào là tốt nhất?

Việc lựa chọn loại van tim nhân tạo để thay cho bệnh nhân bị hở van hai lá nặng có vai trò quan trọng trong cả phần đời còn lại của bệnh nhân. Tùy nguyên nhân, tình trạng bệnh, khả năng biến chứng cũng như độ tuổi, mức độ chịu đựng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K hay không và phụ thuộc vào sự chọn lựa của bệnh nhân mà có quyết định dùng loại van tim nào thích hợp nhất.

Đây là loại van được làm từ vật liệu nhân tạo như titan hay silicon. Van tim cơ học có độ bền 20 đến 30 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên một hạn chế lớn của van tim cơ học tính tạo huyết khối rất mạnh nên bắt buộc bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K suốt đời.

Lựa chọn van tim cơ học chỉ khi người bệnh không có chống chỉ định dùng thuốc chống đông kháng vitamin K vĩnh viễn, bệnh nhân có yếu tố làm tăng quá trình thoái hóa van tim sinh học như suy thận hoặc cường tuyến cận giáp trạng. Đặc biệt bệnh nhân phải dưới 65 tuổi, không bị các bệnh hiểm nghèo mới nên thay van tim cơ học.

Bệnh nhân thay van tim cơ học sẽ phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K vĩnh viễn

Van tim sinh học được làm từ van tim của những người hiến tạng hoặc từ các mô động vật như lợn, bò, ngựa đã được xử lý loại bỏ các thành phần gây thải ghép, sử dụng được 10 đến 15 năm hoặc ít hơn. So với van tim cơ học thì van tim sinh học cũng có nguy cơ tạo huyết khối nhưng ít hơn nên bệnh nhân chỉ phải dùng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K khoảng 3 tháng.

Bệnh nhân lựa chọn thay van tim sinh học là những người không có điều kiện theo dõi tác dụng của thuốc chống đông tốt như ở xa bệnh viện, hoặc do sở thích, điều kiện công việc không thể dùng thuốc chống đông như vận động viên, cầu thủ…và bệnh nhân thường trên độ tuổi 65. Trường hợp nữ muốn sinh con cũng chỉ có thể lựa chọn van sinh học. Tuy nhiên cần chú ý van tim sinh học thoái hóa nhanh trong khi có thai.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn loại van tim có huyết động tốt nhất nhằm hạn chế hiện tượng mất cân xứng giữa kích thước lỗ van tim và bệnh nhân.

Khi lựa chọn loại van tim để thay thì vấn đề thuận lợi cho kỹ thuật mổ mà phẫu thuật viên thực hiện rất quan trọng. Khi phẫu thuật thay van tim hai lá, việc giữ lại lá sau và tất cả dây chằng rất quan trọng trong việc loại bỏ biến chứng vỡ tim sau thay van tim và cải thiện chức năng tim sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ chọn loại van nào để khi thay van các dây chằng và lá van còn lại sẽ không gây cản trở hoặc kẹt lá van nhân tạo.

Lưu ý sau phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân hở van tim hai lá nặng

Cần áp dụng thực đơn ăn uống nhiều rau củ quả, ít muối, ít chất béo, bổ sing kali và chất xơ

Với sự phát triển của Y học hiện đại, phẫu thuật thay van tim nhân tạo cho người bệnh hở van tim hai lá ngày càng có độ chính xác cao và đa số bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt sau phẫu thuật. Tuy nhiên, các biến chứng liên quan sau mổ, đặc biệt với bệnh nhân thay van cơ học có dùng thuốc chống đông cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên và đi khám theo lịch của bác sĩ.

Vũ Giang – Ytevietnam.edu.vn

Exit mobile version