Ghép tạng và câu chuyện của những tấm lòng nhân ái
Không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như ông H, khi nhận được gan hiến tặng phù hợp với mình và cũng không phải gia đình nào cũng chấp nhận cho đi một phần cơ thể của con cháu mình.
May mắn của bệnh nhân được ghép tạng
Ông H hiện đang là giám đốc của một doanh nghiệp có tiếng trên thị trường và chuẩn bị đến tuổi về hưu vui thú điền viên cùng con cháu thì biết tin mình mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, và ông H phải đối mặt với bất cứ tình huống xấu nhất của sức khỏe. Hy vọng duy nhất chữa khỏi cho căn bệnh này của ông là thay một lá gan mới.
Ghép tạng và câu chuyện của những tấm lòng nhân ái
Sau một thời gian dài chờ đợi thông tin từ bệnh viện, cuối tháng 9/2015, ông H được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thông báo đã tìm được gan phù hợp với ông và mời ông đến bệnh viện để chuẩn bị ghép gan. Nhưng điều đáng nói ở đây là người hiến tạng cho ông đang ở trong Thành phố Hồ Chí Minh. Làm thế nào để vận chuyển tạng với thời gian nhanh và bảo đảm tạng được ghép vào cơ thể có thể thích ứng tốt đó là cả một câu chuyện dài và nỗ lực của các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, với lần đầu tiên ghép tạng được vận chuyển trong một khoảng cánh lên đến 2000 km.
Ca ghép gan của ông H được tiến hành trong 6h đồng hồ và sau khi được ghép gan, ông H đã khôi phục sức khỏe, đi làm việc bình thường, thậm chí sức khỏe còn tốt hơn trước. Đó là niềm vui của gia đình và cả các bác sĩ bệnh viện Việt Đức. Và cũng là câu chuyện ghép tạng thành công đầu tiên được vận chuyển với khoảng cách xa như thế.
Hiện nay, ở Việt Nam những ca ghép tạng thành công chưa nhiều, chỉ mới chiếm con số khiêm tốn dưới 1000 ca bởi nhiều nguyên nhân. Không kể đến lí do chi phí ghép tạng, mà điều phải kể đến đầu tiên là không tìm được tạng để ghép bởi nhiều gia đình không muốn cho đi một phần cơ thể của người thân. Tuy nhiên, hiện nay đang có rất nhiều những chiến lược truyền thông để vận động nhiều người hiến tạng và có nhiều hơn những người được cứu sống như trường hợp của ông H.
Câu chuyện về tấm lòng của một người mẹ
Người hiến tạng cho ông H là một chàng trai trẻ đã chết não tại bệnh viện Chợ Rẫy do tai nạn. Như bao người mẹ khác, bà M đã rất đau đớn khi nghe tin con trai mình không thể qua khỏi. Nỗi đau trào dâng trong lòng người mẹ, nên khi nghe các bác sĩ vận động bà hiến tạng của con trai bà M đã không đồng ý. Bởi đó là một khái niệm xa lạ với bà và gia đình. Nhưng khi nghĩ đến câu nói của các bác sĩ rằng: Nếu trong gia đình có thành viên bị suy thận và nếu không được ghép thận kịp thời thì bệnh nhân đó sẽ qua đời thì bà có đồng ý hiến tạng của con trai mình cho người đó không? Đó chính là câu nói giúp bà suy nghĩ kỹ hơn và đồng ý hiến các bộ phận của cơ thể con trai mình để cứu 6 người khác. Bởi khi nhìn những bệnh nhân suy thận, suy gan hay bệnh tim tại bệnh viện bà đã nghĩ rằng, khi chôn cất, tim gan hay những bộ phận của con trai mình cũng tan vào lòng đất, thì tại sao mình không dùng đó để cứu sống những bệnh nhân kia. Chính quyết định này của bà M đã cứu sống nhiều bệnh nhân, trong đó có lá gan dành cho ông H.
Câu chuyện về tấm lòng của một người mẹ
Với bà M, hiến tạng của con trai mình không phải để mong được đền đáp, mà chỉ mong “nối dài sự sống” của người con trai mà bà hết lòng yêu thương. Và bà cũng coi đó là sự hiện hữu của con mình trên cõi đời này. Đó là một tấm lòng cao đẹp mà không phải bà mẹ nào vào thời điểm đó cũng làm được.
Nguồn: Ytevietnam.edu.vn