Lời nói dối trong bệnh viện !
Ánh sáng chói lòa chiếu vào mắt khiến tôi choàng tỉnh dậy. Tôi nhìn quanh, nhận ra một khung cảnh quen thuộc, nơi mà tôi thường thấy trong các bộ phim nhưng chưa bao giờ đến, đó là bệnh viện.
- Nghề Y Dược cao quý nên phải chịu thiệt thòi hơn so với ngành nghề khác?
- Học Ngành Y để làm phúc hay để làm giàu?
Tôi cảm thấy lạnh sống lưng vì chiếc giường sắt nên cố chống tay để ngồi dậy nhưng không được. Cả thân người cứng đờ, không còn chút cảm giác nào. “Chết tiệt”, tôi gào lên vì bất lực, nước mắt chảy ra giàn giụa. Tiếng lanh lảnh từ đâu vọng tới:
– Anh bị hôn mê vừa tỉnh nên người còn mệt, chưa ngồi dậy được đâu.
Tiếng bước chân nhẹ nhàng đến bên tôi. Tôi nhìn lên thì thấy một cô gái tóc ngắn, tay cầm quyển sổ. Vuốt vội mấy sợi tóc mai, cô gái nói:
– Đây là bệnh viện. Tôi là bác sĩ điều trị cho anh. Anh bị chấn thương phần mềm, tuy không quá nguy hiểm nhưng phải nằm ở đây vài ngày để theo dõi.
Tôi hết nhìn cô bác sĩ rồi nhìn xuống những đoạn băng bó trên cơ thể mình. Cả chân, tay và bụng đều bị băng kín và những cơn nhức nổi lên từng chặp. Tôi nhớ lại chuyện xảy ra hôm đó. Sau khi bị sa thải do kết quả công việc yếu kém và hay nhậu nhẹt, tôi uất ức mượn rượu giải sầu rồi không làm chủ được tay lái khiến cả người và xe ngã xuống đường, may mà chưa đâm phải ai. Cô bác sĩ lại hỏi tiếp:
– Thế người nhà anh đã biết anh nằm viện chưa? Anh có muốn thông báo cho họ không?
Tôi giật mình vì câu hỏi đó. Cha mẹ vẫn chưa biết tôi bị đuổi việc. Nếu tôi báo cho họ biết thì hai người đó sẽ rất thất vọng. Tôi là con một, từ bé đã được cha mẹ dồn hết sự yêu thương, chăm sóc, nuôi tôi ăn học để làm rạng danh gia đình, họ tộc. Ngày tôi tốt nghiệp đại học, ba tôi khóc mà nói rằng:”thế là cuối cùng ba mẹ đã hoàn thành trách nhiệm của bậc phụ huynh nuôi dạy con nên người. Nhất định con phải cố gắng thành công trong sự nghiệp để không phụ công ơn cha mẹ và họ tộc của chúng ta”. Vậy mà tôi lại chơi bời, không tận tâm với công việc rồi bị trừng phạt thê thảm thế này. Tôi nói với cô bác sĩ:
– Tôi sống một mình, không còn ai thân thích.
Nói ra câu đó, tôi cũng thấy xấu hổ, nhưng phản ứng của cô bác sĩ còn khiến tôi xấu hổ hơn. Cô nắm lấy tay tôi, giọng nghèn nghẹn:
– Vậy thì tôi sẽ là gia đình của anh, chăm sóc cho anh trong thời gian anh nằm viện được không.
Thế là tôi đã có một người nhà bất đắc dĩ. Cô bác sĩ chăm sóc cho tôi như người thân trong gia đình. Trừ lúc phải đi trực, cô luôn ở bên chăm sóc tôi. Từ thay băng, xoa bóp cho đến những việc thường ngày như đút cơm, uống nước đến rửa mặt cô cũng không nề hà. Thậm chí cô còn dìu tôi vào tận nhà vệ sinh, vừa đỡ tôi vừa quay mặt lại để tôi khỏi… xấu hổ.
Do thể lực tốt và được sự chăm sóc tận tình của cô bác sĩ, tôi hồi phục rất nhanh. Chỉ 2 tuần sau, tôi đã được xuất viện. Lúc chuẩn bị dọn dẹp để ra viện, người thay băng lần cuối cho tôi là một bác sĩ khác. Tôi ngạc nhiên vì không phải là cô, nhìn ra cửa phòng, tôi thấy ba mẹ tôi đã đứng đó từ bao giờ, tôi chợt hiểu ra tất cả. Ba mẹ đón tôi về nhà và tôi đã nói với họ chuyện tôi bị đuổi việc. Họ rất buồn nhưng cũng chẳng mắng mỏ gì tôi, chỉ thấy ba tôi đêm nào cũng ngồi hút thuốc đến khuya, còn mẹ tôi thì không buồn xem mấy bộ phim Hàn Quốc yêu thích nữa.
Một tuần sau đó, tôi tình cờ gặp lại chị bác sĩ khám cho tôi lần cuối. Tôi hỏi chị về cô bác sĩ đã chăm sóc tôi, chị đã kể cho tôi nghe về cô ấy. Thì ra cô là trẻ mồ côi, không có ai thân thích. Cô lúc nào cũng phải tự mình cố gắng học tập trong sự cô đơn, không người chia sẻ, thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Cô trở thành bác sĩ vì nghề này đem đến cho cô cảm giác được chia sẻ tình cảm với người khác. Lúc tôi nói mình không có gia đình, bằng trách nhiệm của người bác sĩ và sự đồng cảm với người cùng cảnh ngộ, cô đã chăm sóc cho tôi vô điều kiện giống như người em gái trong gia đình. Vậy nên khi biết tôi nói dối, cô đã rất giận. Cả tuần sau đó, lúc nào cô cũng như người mất hồn…
Không suy nghĩ gì thêm, tôi chạy vội tới bệnh viện. Tập hồ sơ xin việc nặng trĩu trong ba lô.
Đinh Trung Thành (Thuỵ Khê – Tây Hồ – Hà Nội)