Site icon Chuyên Trang Tin Tức Y Tế – Sức Khoẻ Việt Nam

Mạch môn: Dược liệu quý với nhiều tiềm năng trị liệu

Mạch môn( Ophiopogon japonicus), còn có tên gọi khác như Mạch môn đông, Tóc tiên, cây Lan tiên hay Xà thảo lá dài, là một cây thân cỏ sống lâu năm thuộc họ Thiên môn đông (Asparagaceae), không chỉ được trồng làm cảnh mà còn là một dược liệu quý giá trong y học cổ truyền và y học hiện đại.

Đặc điểm chung của mạch môn

Cây có đặc trưng bởi bộ rễ chùm phát triển từ gốc, trên đó hình thành các củ mầm giúp cây thích nghi và tồn tại trong nhiều điều kiện môi trường. Lá Mạch môn mọc trực tiếp từ gốc, có hình dạng hẹp dài tựa như lá lúa mạch với phần gốc ôm lấy thân và mép lá có răng cưa nhỏ, tạo nên một tổng thể tán lá xòe rộng và xanh mướt. Hoa nhỏ có màu xanh nhạt, thường mọc thành cụm 1-3 hoa ở các kẽ lá, với cuống hoa ngắn. Sau khi hoa tàn, cây kết quả là những quả mọng nhỏ, khi chín có màu tím đen nhạt, chứa 1-2 hạt bên trong.

Tại Việt Nam, cây được trồng phổ biến ở miền Bắc bao gồm Hà Nam, Bắc Giang, Nghệ An, Hưng Yên và một số khu vực khác. Cây phát triển tốt ở những vùng có khí hậu ẩm mát, bóng râm. Mạch môn thường được thu hái vào khoảng tháng 6-7, khi cây đã đạt 2-3 năm tuổi và củ đã phát triển đầy đủ, những củ già thường được chọn, cắt bỏ rễ con và rửa sạch đất. Quá trình chế biến theo phương pháp là xếp củ thành đống, phơi nắng nhiều lần cho đến khi khô khoảng 70-80% độ ẩm, sau đó đập dẹt và rút bỏ lõi, cuối cùng phơi khô hoàn toàn. Phương pháp khác là sau khi thu hoạch, củ được rạch và tước bỏ lõi, sau đó rang với gạo đến khi gạo có màu vàng nhạt, rồi loại bỏ gạo và chỉ sử dụng phần củ đã rang.

Thành phần hóa học

Nghiên cứu hóa học đã xác định được nhiều thành phần có giá trị trong rễ củ Mạch môn.

– 5 glucoside được phân lập, trong đó ba chất khi thủy phân cho diosgenin, một chất cho ruscogenin và chất còn lại cho choophiogenin.

– Những chất khác bao gồm stigmasterol, β-sitosterol, β-D-glucoside, các polysaccharide, tinh dầu (với các thành phần như β-patchoulen, longifolene, cyperen, α-humulen, guajol, jasmolelon).

– Các saponin steroid như ophiopogonin A, B, C, D cũng được phân lập gần đây, trong đó ophiopogonin A, B và D khi thủy phân đều cho genin là ruscogenin.

Công dụng theo Y học cổ truyền

Theo các nghiên cứu Đông y, Mạch môn có vị cam, hơi đắng, tính hàn và quy vào các kinh Tâm, Phế, Vị. Nó có công năng dưỡng vị sinh tân, nhuận phế thanh tâm, thường được dùng để điều trị các chứng phế nhiệt do âm hư gây ho khan, ho lao, tân dịch bị tổn thương, đồng thời cũng giảm mất ngủ, tiêu khát và táo bón.

Công dụng theo Y học hiện đại

Y học hiện đại đã tiến hành nhiều nghiên cứu cho thấy các tác dụng dược lý của Mạch môn.

– Ruscogenin-1-O-β-d-fucopyranoside (DT-13), ophiopogonin B và ophiopogonin D, đã cho thấy tiềm năng chống ung thư bằng cách gây ra sự bắt giữ chu kỳ tế bào, kích hoạt apoptosis, ức chế di căn và hình thành mạch, gây chết tế bào ung thư tuyến tụy trong ống nghiệm.

– Polysaccharide từ Mạch môn (MDG) có tác dụng cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu ở chuột bằng cách giảm tích tụ lipid và viêm mãn tính, giảm tổn thương cơ tim do isoproterenol gây ra, đồng thời tăng đa dạng của vi sinh vật đường ruột..

– Ophiopogonin D, một thành phần chính của Mạch môn, có tác dụng cải thiện chức năng thận ở chuột mắc bệnh thận do đái tháo đường.

– Các hoạt chất từ Mạch môn còn giúp giảm các triệu chứng của viêm da dị ứng và giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Ruscogenin và ophiopogonin D cũng được chứng minh có khả năng ức chế huyết khối và sự kết tập tiểu cầu.

Liều dùng và các bài thuốc kinh nghiệm

Mạch môn thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc với liều lượng từ 6 đến 12g mỗi ngày, thường kết hợp với các dược liệu khác để tăng hiệu quả điều trị. Các bài thuốc kinh nghiệm từ Mạch môn được dùng để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau như

– Âm hư, sốt cao, suyễn khát, cảm nắng thấp nhiệt.

– Nhức đầu, mửa khan, ăn uống không tiêu.

– Thực nhiệt phát cuồng, khát nước, mê sảng, ra mồ hôi nhiều.

– Phiền khát, kinh sợ hồi hộp, suy kiệt tinh huyết.

– Ho, viêm họng, viêm phế quản ở trẻ em.

– Tắc tia sữa, lở loét miệng lưỡi, viêm da ngứa, táo bón.

– Bệnh tim kèm bệnh thận, co thắt mạch vành.

– Hen phế quản và lao phổi.

Lưu ý khi sử dụng

Tuy Mạch môn có nhiều công dụng chữa bệnh hữu ích, khi sử dụng vẫn cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ Y học cổ truyền để đảm bảo sử dụng hiệu quả. Chống chỉ định bao gồm các trường hợp tiêu chảy hoặc tỳ vị hư hàn, cũng như nhiệt phế và vị. Do cơ địa mỗi người khác nhau, hiệu quả của thuốc có thể khác nhau và có thể xuất hiện tác dụng phụ. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần ngừng sử dụng và thông báo cho bác sĩ.

Exit mobile version