Một loạt nhà thuốc GPP vi phạm quy định về kinh doanh thuốc
Thực hiện kế hoạch triển khai chống tăng giá thuốc và ngăn chặn tình trạng thuốc kém chất lượng trong dịp Tết Nguyên Đán 2017, mới đây Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh kiểm tra một loạt các nhà thuốc GPP đã phát hiện và xử phạt nghiêm các nhà thuốc bán thuốc quá hạn sử dụng cho người bệnh.
- Nhà thuốc tư nhân sẽ phải cạnh tranh với chuỗi Nhà thuốc Doanh nghiệp Dược
- Bức tranh toàn cảnh tình trạng tai biến Y khoa năm 2016
- Bộ Y Tế ra quy định bắt buộc người dân hiến máu
Thẳng tay xử phạt các nhà thuốc bán thuốc quá hạn
Theo kiểm tra hệ thống các nhà thuốc GPP trên địa bàn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện một loạt các nhà thuốc vi phạm về kinh doanh thuốc đặc biệt đối với thuốc đã quá hạn sử dụng vẫn được lưu hành trên thị trường.
Trong thời gian đầu kiểm tra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt các nhà thuốc với số tiền từ 10 đến 25 triệu đồng. Điển hình như nhà thuốc Bệnh viện huyện Bình Chánh phạt 20 triệu đồng, nhà thuốc Minh Châu huyện Hóc Môn 23 triệu đồng, nhà thuốc Hồng Ngân 14 triệu đồng…Đa số các nhà thuốc bị xử phạt đều thuộc khu vực quận huyện hay khu vực ngoại thành.
Tình trạng người dân đa phần không để ý đến thời hạn sử dụng của thuốc và thường có thói quen mua thuốc không cần đơn của bác sĩ chuyên khoa, các nhà thuốc cũng không có thói quen bán thuốc theo đơn cho bệnh nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thuốc quá hạn tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó việc thuốc Tây được mua lẻ một cách dễ dàng, bán lẻ theo viên hoặc vỉ nên người tiêu dùng cũng thường không để ý đến hạn sử dụng của thuốc và cũng không biết thuốc còn hạn sử dụng hay không.
Mặt khác, khi người tiêu dùng mua phải thuốc Tây đã quá hạn sử dụng thường không có phản ứng mạnh mẽ mà chỉ mang ra hiệu thuốc đổi. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến các nhà thuốc bỏ qua các quy định hiện hành một cách dễ dàng. Như vậy, nhìn chung có thể nói chính người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các nhà thuốc kinh doanh thuốc không đảm bảo chất lượng.
Đại diện Thanh tra Sở Y tế cho biết, việc các nhà thuốc tự do kinh doanh các thuốc quá hạn sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, không những không chữa khỏi bệnh còn gây tác hại cho người uống. Sắp tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng các nhà thuốc vi phạm quy định về kinh doanh thuốc và đảm bảo tình trạng không tăng giá thuốc trong dịp Tết Nguyên Đán 2017.
Hiểm họa từ việc sử dụng thuốc quá hạn
Việc các nhà thuốc vi phạm quy định về kinh doanh thuốc là một trong những vấn đề vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Theo khuyến cáo của các Dược sĩ , người bệnh nên có những kiến thức nhận biết thuốc hết hạn sử dụng một cách cơ bản. Thuốc Tây hết hạn sử dụng thường biến dạng màu nhẹ, thuốc dưới dạng con nhộng thì vỏ mềm, thuốc dạng viên nén thì vỡ tơi thành bột. Khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng thường không được hiệu quả điều trị như mong muốn.
Một số loại thuốc nếu đã quá hạn sử dụng như thuốc tim mạch, thuốc chống đông máu, trị bệnh tiểu đường hay viêm tuyến giáp…sẽ gây hại cho cơ thể. Vì vậy bệnh nhân bị các bệnh chuyên khoa điều trị lâu dài khi sử dụng thuốc cần phải chú ý về chất lượng của thuốc.
Người bệnh đa số thường tự điều trị bằng cách cách tự mua thuốc về uống và thường không để ý đến bệnh điều trị cũng như những tác dụng phụ của thuốc đối với cơ thể. Vì vậy các nhà thuốc vô tư bán thuốc không kê đơn, không thăm khám cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên sáng suốt lựa chọn phương pháp điều trị có lợi cho bản thân.
Một số trường hợp do tự điều trị mà một số bệnh nhân nhập viện vì sử dụng thuốc Tây quá liều, không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có hiện tượng sốc phản vệ, buồn nôn, đau đầu, hay nổi mẩn ngứa và phải nhập viện để điều trị.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, Sở Y tế đã khuyến cáo người dân lưu ý trong việc sử dụng thuốc tây, nên mua thuốc theo đơn và sự hướng dẫn của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh tật của mình. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và để ý hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc.
Phương Thảo-Ytevietnam.edu.vn