Những điều cần biết bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh thường gặp ở độ tuổi trưởng thành và người cao tuổi.
- Cách phòng các bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột
- Hormone kiểm soát hoạt động trong cơ thể như thế nào?
- Vitamin Tổng Hợp Thay Thế Được Bữa Ăn Hàng Ngày?
Khái niệm về đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý phổ biến hiện nay và thường gặp ở độ tuổi trưởng thành. Đau dây thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: chấn thương, vận động sai tư thế, gắng sức, thoái hóa cột sống… nhưng cũng có khi không có nguyên nhân thì được gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.
Dây thần kinh liên sườn sau khi tách khỏi rễ chung sẽ cùng với mạch máu tạo thành bó mạch thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn, vì vậy các bệnh lý liên quan tới tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn.
Các triệu trứng thường gặp của đau dây thần kinh liên sườn
Thông thường dấu hiệu điển hình là chỉ đau ở một bên, đau xuất phát từ vị trí trước ngực (ở vị trí xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cột sống, cảm giác đau tăng lên khi ấn sờ vào chỗ đau. Đôi khi bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào đến cột sống, cảm giác đau tăng khi ho, hắt hơi hoặc bệnh nhân thay đổi tư thế.
Bệnh thường xuất hiện khi bệnh nhân suy giảm sức khỏe như bị nhiễm khuẩn cúm, lao, thấp khớp hoặc tổn thương ở đốt sống lưng (ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy).
Nhiều trường hợp đau do bệnh zona thần kinh liên sườn tái phát (virus gây bệnh zona nằm trong các dây thần kinh khi sức khỏe bệnh nhân suy giảm chúng sẽ tấn công vào dây thần kinh) với các triệu trứng điển hình là: đau, phát ban màu đỏ, xuất hiện mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua, cuối cùng là xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.
Những nguyên nhân hay gây bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh như: thoái hóa cột sống, lao cột sống hoặc ung thư cột sống, các bệnh lý liên quan đến tủy sống, cột sống, các bệnh nhiễm khuẩn hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona.
Các nguyên nhân tiên phát như do bệnh nhân bị lạnh hoặc do vận động sai tư thế. Một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Chụp X-quang để đánh giá hình thái cột sống, đốt sống, tìm nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa cột sống, lao cột sống.
Chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây các bệnh lý liên quan đến cột sống, đĩa đệm và tủy sống như: thoái hóa,thoát vị đĩa đệm, u tủy sống, chấn thương cột sống, viêm cột sống, viêm đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống.
Làm các xét nghiệm cơ bản như: xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm tốc độ máu lắng, xét nghiệm thành phần nước tiểu toàn phần, xét nghiệm sinh hóa máu (đo các chỉ số ure, creatinin, AST, ALT).
Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn
Dùng thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng: paracetamol, diclofenac… và thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin
Dùng thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm (thường dùng trong các trường hợp đau nhiều, đau có cảm giác co rút vùng sườn tổn thương). Lưu ý: bệnh nhân có bệnh nhược cơ không dùng thuốc này.
Đối với đau dây thần kinh do zona thì dùng thêm thuốc kháng virus (dạng kem bôi) để bôi vào các mụn nước.
Sử dụng vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là nhóm vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung đặc biệt là tế bào thần kinh và bao myelin giúp cải thiện trình trạng bệnh.
Chế độ sinh hoạt để phòng và điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Không mang vác vật nặng, không làm việc quá sức hoặc vận động sai tư thế làm ảnh hưởng đến cột sống
Giữ cơ thể ấm áp trong mùa lạnh như mắc ấm, đi ra ngoài quàng khăn.
Nên tiêm phòng lao cho trẻ em để hạn chế cho trẻ mắc bệnh lao (một bệnh có nguy cơ cao gây đau đau dây thần kinh).
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh là nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh liên sườn.
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng các chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, tập thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh.
Nguồn ytevietnam.edu.vn