Những vị thuốc Đông y được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng
Viêm đại tràng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp. Người bệnh có các triệu chứng đau bụng thường ở bên trái và hai hố chậu, đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ, đi ngoài được thì đỡ đau; đại tiện lỏng nhiều lần trong ngày, hay mót rặn, phân có thể có nhày mũi hoặc máu, cũng có khi táo bón kèm nhày mũi hoặc táo lỏng xen kẽ.
- Bác sĩ Y học cổ truyền hướng dẫn một số bài thuốc Đông Y điều trị viêm đại tràng
- Một số bài thuốc Đông y được sử dụng để điều trị bệnh đau gót chân hiệu quả
- Một số loại thuốc Đông y được sử dụng để điều trị mụn trứng cá
Bên cạnh đó, người bệnh thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng, chán ăn, lâu ngày thể trạng gầy sút, da xanh, cơ bắp yếu mềm, giảm trí nhớ, tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Định, giảng viên trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhận định, dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể lâm sàng.
Viêm đại tràng thể hàn thấp: người bệnh đau bụng âm ỉ, đầy hơi, đại tiện nhiều lần, phân lỏng hoặc sền sệt, mệt mỏi, da xanh, tay chân lạnh, ăn uống kém, gầy sút. Phép trị là ôn trung tán hàn, kiện tỳ bổ vị. Dùng một trong các bài:
Bài 1: ngải diệp 12g, lá đinh lăng (sao) 16g, hoài sơn 16g, ý dĩ 12g, bạch truật 16g, bạch linh 12g, cẩu tích 12g, lá khổ sâm 12g, hậu phác 12g, trần bì 10g, cam thảo chích 12g, vỏ quế 8g, lá xuyên tâm liên 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 2: bạch truật 16g, tất bát 12g, lương khương 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, trần bì 10g, vỏ quế 8g, đinh lăng 16g, ngũ gia bì 16g, đương quy 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Vị thuốc bán hạ.
Viêm đại tràng thể thấp nhiệt: Người bệnh đau bụng âm ỉ, bụng dưới trướng nổi cục, đại tiện khi táo khi lỏng, đầy hơi, ăn uống kém, mệt mỏi gầy sút. Phép trị là chống viêm thanh nhiệt, hóa thấp kiện tỳ. Dùng bài: bán hạ 10g, hậu phác 10g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, cây ngũ sắc 16g, bồ công anh 16g, nam hoàng bá 16g, lá nhót 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, đương quy 12g, cam thảo chích 12g, kê nội kim (sao vàng) 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Nếu phân có lẫn máu nhầy, gia: hoàng liên 12g, cỏ mực (sao đen) 16g, chi tử (sao đen) 12g. Nếu bụng đầy hơi, khó chịu, gia: sinh khương 4g, chỉ xác 10g, trần bì (sao) 12g. Nếu người bệnh cơ thể suy nhược, gia: phòng sâm 16g, hà thủ ô chế 16g, táo tàu 10g. Nếu người bệnh ít ngủ, hoa mắt chóng mặt, gia: nhân sâm 10g, sinh khương 6g, ngũ vị 12g, táo nhân sao đen 16g.
Viêm đại tràng sau lỵ: Người bệnh đau bụng từng cơn, phân sống kèm theo nhày, có khi lẫn máu, đại tiện nhiều lần, ăn uống kém, tiền sử có bị chứng lỵ nhưng điều trị không triệt để, âm thầm phá hủy chức năng của đại tràng, gây những đợt cấp tính, kéo dài. Lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe gây suy nhược cơ thể. Phép trị là chống viêm, thanh nhiệt, kiện tỳ bổ vị. Dùng một trong các bài:
Bài 1: hoàng đằng 12g, cỏ sữa lá to 20g, cỏ mực 20g, lá nhót 20g, búp ổi 12g, kê nội kim (sao) 12g, ngân hoa 10g, bạch truật 12g, ý dĩ 10g, cam thảo chích 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng 10 – 15 ngày là một đợt.
Bài 2: lá mã đề (sao vàng hạ thổ) 20g, lá đinh lăng (sao thơm) 20g, cây seo gà 20g, cỏ mực 20g, cát căn 16g, bạch truật 16g, cỏ sữa lá to 20g, lá khổ sâm 16g, búp ổi 16g, lá nhót 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: rau sam 20g, cỏ sữa 20g, lá đinh lăng 20g, cây seo gà 20g, lá phèn đen 20g, hoàng liên 12g, cây ngũ sắc (sao vàng) 20g, chi tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nguồn: suckhoedoisong.vn, Cao đẳng Dược Tp HCM