6 phương pháp điều trị cận thị mới hiệu quả nhất hiện nay
Có những phương pháp điều trị cận thị an toàn và hiệu quả nào? Phương pháp nào thân thiện với người bệnh nhất?… là câu hỏi mà nhiều người mắc bệnh cận thị quan tâm.
- Người bị cận thị có phải đeo kính liên tục không?
- Làm thế nào để phân biệt cận thị và loạn thị?
- Bệnh cận thị ở trẻ em là gì và cách phòng ngừa như thế nào?
Cận thị là tật khúc xạ khiến mắt không có khả năng nhìn xa, chỉ nhìn được những hình ảnh ở cự li gần. Bệnh cận thị không phải nan y, không gây đau đớn nhưng để lại nhiều bất tiện trong đời sống. Người bị cận thị nặng sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào kính, mắt mất đi khả năng nhìn. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, cận thị có thể dẫn đến nhiều bệnh khác về mắt như nhược thị, loạn thị….
Để điều trị cận thị, ngoài thực hiện theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa mắt, cần kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng và luyện tập mắt thường xuyên. Những phương pháp điều trị cận thị mới nhất hiện nay như sau:
Đeo kính cận
Đeo kính có thấu kính phân kỳ là cách giúp người bị cận thị nhìn được rõ các hình ảnh xung quanh giống như mắt thường. Đây là phương pháp điều trị cận thị mang tính tạm thời phổ biến nhất. Với những người cận nặng, kính cận có thể coi như “vật bất ly thân”. Tuy nhiên đeo kính chỉ làm giảm sự tăng độ cận chứ không chữa khỏi được bệnh. Thậm chí với những trường hợp đeo kính thường xuyên, người bệnh sẽ phải lệ thuộc vào kính, khả năng điều tiết của mắt giảm.
Các bác sĩ chuyên khoa đã chỉ ra rằng, với những người cận thị nhẹ dưới 0.75 độ không nên đeo kính, thay vào đó tập các bài tập về mắt kết hợp chế độ dinh dưỡng bổ sung cho mắt để tình trạng mắt được phục hồi. Trường hợp cận từ 1.5 độ chỉ nên đeo kính khi học tập, hoặc nhìn xa. Chỉ đeo kính thường xuyên khi mắt đã cận từ 3 độ trở lên.
Phương pháp điều trị cận thị bằng phẫu thuật LASIK
Phẫu thuật LASIK là phương pháp điều trị cận thị bằng năng lượng laser để loại bỏ hoặc giảm sự độ cận của mắt. Phương pháp này có thể áp dụng với tất cả các loại tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị…
Đây là phương pháp thường được lựa chọn bởi độ an toàn và chính xác. Đối tượng có thể tiến hành phẫu thuật LASIK phải đủ 18 tuổi trở lên, độ cận ổn định từ 6 tháng trở lên, không mắc các bệnh hệ miễn dịch và không mang thai, cho con bú…
Chỉnh hình giác mạc Ortho K
Ortho K là phương pháp chữa trị cận thị được nhiều người lựa chọn, nhất là trẻ em khi chưa đủ tuổi để mổ phẫu thuật.
Theo đó, Ortho K giống như một kính áp tròng được đeo vào ban đêm khi ngủ, kính sẽ điều chỉnh hành dáng của giác mạc, hôm sau người bệnh sẽ nhìn được rõ mọi thứ xung quanh. Sử dụng Ortho K một thời gian sẽ thấy rõ hiệu quả mắt giảm độ cận đáng kể, có thể khôi phục hoàn toàn.
Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không gây đau, dễ sử dụng…Tuy nhiên đây chỉ là cách điều trị mang tính tạm thời và chi phí lớn.
Phẫu thuật SBK LASIK
Phương pháp SBK LASIK là cơ chế điều trị độ cận thị bằng năng lượng laser, tạo vạt giác mạc bằng dao vi phẫu. Phương pháp điều trị cận thị mới này giúp giảm độ cong của giác mạc để hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc, người bệnh có thể nhìn mọi thứ bình thường.
Tuy nhiên phương pháp SBK LASIK có nhược điểm là không thể áp dụng với người bị cận nặng, có nguy cơ để lại biến chứng.
Phẫu thuật ReLEx SMILE
Cho đến thời điểm hiện tại, ReLEx SMILE được coi là phương pháp chữa trị cận thị an toàn và hiệu quả nhất. Phương pháp này thành công với cả những người có cận thị cao.
Khi phẫu thuật ReLEx SMILE, các bác sĩ sẽ mổ rút một lớp mô mỏng, đường mổ khoảng 2mm, sau đó điều trị laser trong khoảng 25 giây một mắt. Độ chính xác của phương pháp này gần như tuyệt đối.
Phẫu thuật PHAKIC
Đây là phương pháp tối ưu dành cho những bệnh nhân có độ cận thị cao. Khi điều trị bằng phẫu thuật PHAKIC, bệnh nhân sẽ được bác sĩ để một thấu kính vào sau mống mắt trước thủy tinh thể, giống như một lớp kính cận ngay trong mắt giúp người bệnh nhìn rõ mà không cần đeo kính bên ngoài, không ảnh hưởng đến mô giác mạc.
Trên đây là một số phương pháp điều trị cận thị mới nhất hiện nay. Để biết được thể trạng mắt của mình phù hợp với cách điều trị nào, bạn nên đến các phòng khám chuyên khoa mắt để được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp phù hợp.
Hoàng Thu – Y tế Việt Nam