Tăng huyết áp khẩn cấp là tình trạng huyết áp tăng vọt đến mức nguy hiểm, có thể gây tổn thương tim, não, thận và mắt nếu không xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người khó nhận biết dấu hiệu sớm và cách xử trí đúng.
- Người mắc bệnh cảm lạnh có cần điều trị bằng thuốc hay không?
- Các loại virus cúm gây bệnh cho người và cách phòng chống
Dưới đây là những chia sẻ từ các chuyên gia y tế Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về cách nhận biết dấu hiệu và hướng xử trí đúng khi gặp tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp, giúp người bệnh phát hiện sớm, xử lý kịp thời và phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tăng huyết áp khẩn cấp là gì?
Tăng huyết áp khẩn cấp xảy ra khi huyết áp đột ngột tăng cao lên mức ≥180/120 mmHg, kèm theo nguy cơ tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, não, thận và mắt. Đây là một tình huống y tế cần được can thiệp ngay lập tức nhằm tránh các biến chứng đe dọa tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp hoặc suy thận cấp.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương cơ quan, tăng huyết áp khẩn cấp được chia thành hai dạng:
- Cơn tăng huyết áp cấp cứu thật sự: Có tổn thương cơ quan đích rõ ràng, cần điều trị khẩn cấp.
- Cơn tăng huyết áp cấp cứu giả (nặng nhưng chưa tổn thương cơ quan): Cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa biến chứng.
Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời chính là chìa khóa bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Những dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp khẩn cấp
Không phải lúc nào tăng huyết áp khẩn cấp cũng có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ tư vấn nếu huyết áp tăng cao kèm theo các triệu chứng sau, người bệnh cần được cấp cứu ngay:
- Đau đầu dữ dội: Áp lực trong mạch máu não tăng cao có thể gây đau đầu dữ dội, kéo dài – cảnh báo nguy cơ đột quỵ.
- Chóng mặt, choáng váng: Do lưu lượng máu lên não bị rối loạn, dễ dẫn đến mất thăng bằng hoặc ngất.
- Lú lẫn, giảm khả năng tập trung: Thiếu máu não có thể khiến người bệnh mất phương hướng, suy giảm trí nhớ tạm thời.
- Hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh: Hệ thần kinh bị kích thích do huyết áp tăng nhanh.
- Buồn nôn, nôn không rõ nguyên nhân: Do tác động của tăng huyết áp lên trung tâm nôn ở não.
- Đau ngực, khó thở: Dấu hiệu của suy tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim.
- Giảm thị lực: Có thể nhìn mờ, nhìn đôi hoặc thậm chí mất thị lực tạm thời.
- Chảy máu cam: Do vỡ mao mạch trong mũi vì áp lực quá cao.
- Co giật: Thường gặp trong trường hợp huyết áp cực cao, đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai bị tiền sản giật.
Nếu bạn hoặc người thân có các biểu hiện trên cùng với huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Cách xử trí khi gặp tăng huyết áp khẩn cấp
Tăng huyết áp khẩn cấp nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi đối mặt với tình huống này, cần thực hiện các bước sau:
Kiểm tra lại huyết áp và đánh giá triệu chứng:
- Nếu đo được huyết áp cao nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng, hãy nghỉ ngơi vài phút rồi đo lại.
- Nếu huyết áp vẫn cao hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực, khó thở, rối loạn ý thức… hãy gọi cấp cứu ngay.
Di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất:
- Trong trường hợp không thể gọi xe cấp cứu, cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất nếu: Huyết áp ≥180/120 mmHg hoặc có dấu hiệu đau ngực, khó thở, tê yếu một bên cơ thể, nói khó, rối loạn ý thức, hoặc thay đổi thị lực.
Điều trị y tế chuyên sâu:
- Với các trường hợp có tổn thương cơ quan đích: Người bệnh sẽ được điều trị tại khoa hồi sức tích cực, sử dụng thuốc hạ huyết áp đường tĩnh mạch để kiểm soát huyết áp nhanh chóng.
- Nếu không có tổn thương cơ quan: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống và theo dõi huyết áp, đồng thời hẹn tái khám để đánh giá đáp ứng điều trị.
Tăng huyết áp khẩn cấp là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn việc nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo và xử trí đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, đừng chần chừ – hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.