Nguy hiểm đến từ động thai và cách phòng tránh
Bên cạnh việc dưỡng thai thì các thai phụ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề sảy thai. Bởi đây là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và bé có thể đến từ những bất cẩn nho nhỏ.
- Da kề da ngay sau khi sinh và những lợi ích tuyệt vời cho bé
- 9 bước chuẩn bị để mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh
- Hướng dẫn cách sử dụng bỉm cho trẻ trong mùa đông để không bị hăm da
Mang thai là một điều vô cùng thiêng liêng của người phụ nữ. Họ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho sinh linh bé nhỏ trong bụng mình. Tuy nhiên trong suốt quá trình mang thai có rất nhiều vấn đề xảy ra với thai thai nhi như động thai. Vậy động thai là gì? Cách phòng tránh? Hãy cùng đến với những thông tin hữu ích đến từ bác sĩ tư vấn trên fanpage Tin tức Y tế Việt Nam – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
Hỏi: Thưa chuyên gia, chuyên gia có thể cho độc giả biết động thai là gì?
Trả lời:
Động thai hay còn được gọi là dọa sảy thai là hiện tượng khi âm đạo xuất hiện chút máu kèm theo mỏi vai, đau bụng, bụng dưới trướng lên. Nếu mẹ thấy các dấu hiệu này, mẹ nên cẩn trọng bởi chúng chính là những điềm báo của động thai. Thông thường, dọa sảy thường xảy ra ở tam cá nguyệt đầu tiên trong thai kì.
Hỏi: Khi bị động thai thường có những dấu hiện như thế nào thưa chuyên gia?
Trả lời:
Khi bị động thai, sản phụ thường có những biểu hiện đặc trưng như:
– Có cảm giác hơi đau tức ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng. Có trường hợp, mẹ bầu có triệu chứng đau như khi hành kinh.
– Mẹ có thể bị chảy máu rất ít với một đốm nhỏ hoặc vết máu màu hồng nhạt, đỏ tươi hoặc hơi nâu khi thay đồ lót hoặc vệ sinh cơ thể. Tuy nhiên, một số mẹ bầu sẽ bị chảy máu khá nhiều.
– Khi thấy dịch nhờn xuất hiện nhiều bất thường ở âm đạo kèm chất lỏng có màu hồng có thể là dấu hiệu bạn bị động thai. Đặc biệt, khi dịch nhờn này có mùi hôi nặng là rất đáng lo ngại. Mẹ bầu nên theo dõi cẩn thận.
– Bụng dưới hoặc vùng xương chậu xuất hiện các cơn co sớm trước 20 tuần
– Áp lực vùng chậu do thai nhi đè nặng và đi kèm với chứng chảy máu âm đạo, chuột rút thì đó là dấu hiệu rất rõ chỉ ra rằng bạn bị động thai và có thể chuẩn bị sảy thai.
– Khi xét nghiệm y tế về chỉ số hCG dương tính và vẫn tăng dần tương ứng với tuổi thai, khi siêu âm có hiện tượng bóc tách một phần của bánh nhau hay màng nhau.
Hỏi: Có những nguyên nhân nào gây động thai thưa chuyên gia?
Trả lời:
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra động thai, tuy nhiên, chúng ta có thể chia ra thành hai nhóm chính để dễ phòng tránh các mẹ nhé!
Nhóm 1 là các tác nhân bên trong cơ thể mẹ như bất thường về nhiễm sắc thế, bất đồng nhóm máu, mẹ mắc bệnh liên quan đến tử cung trong khi mang thai
Nhóm 2 là các tác nhân từ bên ngoài cơ thể mẹ như va chạm (mẹ bị ngã khi mang thai), các hành động kích thích co bóp tử cung, việc quan hệ quá mạnh bạo hay tập thể dục, vận động cường độ mạnh và không đúng cách.
Hỏi: Xử lý động thai như thế nào thưa chuyên gia?
Trả lời:
Khi bị động thai (dọa sảy thai) cần được xử lý kịp thời để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho mẹ bầu và thai nhi. Khi có dấu hiệu động thai, việc đầu tiên mẹ bầu cần làm là nghỉ ngơi, thậm chí nghỉ ngơi tại giường, không vận động mạnh và di chuyển xa.
Ngoài ra, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám xem tình trạng động thai ở mức độ nào. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống co thắt tử cung, một số thuốc nội tiết tố cho mẹ hay xử lý bằng phương pháp khâu vòng cổ tử cung.
Mẹ cũng cần lưu ý khi có dấu hiệu đau bụng, TUYỆT ĐỐI KHÔNG XOA BỤNG. Bởi hành động này của mẹ sẽ kích thích tăng co tử cung dẫn đến đẩy thai nhi ra ngoài. Khi bị động thai, mẹ cần kiêng hoàn toàn chuyện sinh hoạt vợ chồng để tránh kích thích cổ tử cung mở rộng. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem thời gian kiêng cữ cho việc này bao lâu là phù hợp với thể trạng của mẹ.
Mẹ nên sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và hạn chế đồ chiên rán. Ngoài ra, các mẹ tuyệt đối tránh xa các loại đồ ăn, đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia, rượu… Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần giữ cho tư tưởng, tâm lý thực sự thoải mái, tránh căng thẳng, stress
Tư thế nằm tốt nhất khi bị động thai:
Các bà bầu bị động thai sẽ được bác sĩ yêu cầu nằm bất động trên giường để đảm bảo an toàn cao nhất cho thai nhi. Vị trí nằm không thay đổi sẽ đặt áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch, đẩy lượng máu ở phần dưới cơ thể chảy ngược về tim. Thế nhưng, sau khi thấy đỡ mệt mỏi, các mẹ cũng có thể đi lại nhẹ nhàng, có thể làm một số việc miễn sao không quá nặng.
Tư thế nghiêng bên trái và chân trái duỗi, chân phải gấp lại là tư thế tốt nhất cho cả quá trình mang thai. Tư thế này giúp tim hoạt động dễ dàng hơn bởi nó giúp cho sức nặng của thai nhi không đè lên các tĩnh mạch vận chuyển máu từ chân trở về tim, cũng như lưu thông máu dễ dàng đến dạ con, bào thai và thận. Tư thế này giúp thai nhi thoải mái, phát triển ổn định không bị động thai.
Khi nằm nghiêng, mẹ bầu có thể kê thêm một chiếc gối phía trước chân để gác sẽ khiến mẹ thoải mái hơn. Còn với những mẹ khi nằm nghiêng cảm thấy khó chịu thì có thể dùng gối kê dưới phần lưng, làm cho lưng lệch 1 góc 30 độ so với phương nằm sẽ giúp cải thiện tình hình. Ngoài ra, mẹ bầu nên đặt một chiếc gối giữa 2 chân khi ngủ để tạo khoảng cách giữa 2 chân, giúp làm giảm áp lực lên các khớp của xương chậu. Từ đó, thai nhi sẽ ổn định hơn.
Hỏi: Chuyên gia có những lời khuyên gì cho các sản phụ để phòng tránh hiện tượng động thai?
Trả lời:
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ động thai, an toàn sức khỏe mẹ và bé, mẹ bầu cần lưu ý những điểm sau:
– Bà bầu hãy luôn lạc quan, giữ cho mình tư tưởng thoải mãi, thư giãn, tránh stress, căng thẳng.
– Duy trì chế độ ăn uống đủ chất trong suốt thai kì, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá, ít dầu mỡ, chú ý đến việc kết hợp giữa rau xanh, hoa quả và tinh bột, không được ăn những loại có chất kích thích, nghiêm cấm hút thuốc lá, uống rượu, bia, thức ăn tái sống. Ngoài ra, mẹ bầu có thể sử dụng một số món ăn an thai giúp bồi bổ cho thai nhi như cháo gà, cháo cá chép, nước hạt sen,…
– Chú ý nghỉ ngơi hợp lý và không thức quá khuya
– Tránh lao động, vận động mạnh, làm việc nặng
– Hạn chế quan hệ và quan hệ quá mạnh bạo trong tam cá nguyệt đầu tiên
– Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống các thức uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
– Tuyệt đối không nghe theo những lời dân gian truyền miệng mà uống đủ các loại thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc hay ăn các loại lá, thảo mộc được cho là có công dụng an thai mà không được kiểm chứng rõ ràng
– Khám thai định kì để theo dõi sức khỏe mẹ và thai nhi
Cám ơn những chia sẻ từ bác sĩ! Chúc bác sĩ có nhiều sức khỏe và công tác tốt!
Nguồn: ytevietnam.edu.vn