Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà không cần dùng thuốc
Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà giúp trẻ nhanh khỏi bệnh và tránh các nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng. Để điều trị tay chân miệng cho trẻ hiệu quả, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh, cha mẹ nên lưu ý đến các vấn đề sau.
- Đâu là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ?
- Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ cha mẹ cần lưu ý
- Làm thế nào để phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng là bệnh lý học truyền nhiễm thường gặp ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Bệnh do virus đường ruột gây nên và có khả năng lây truyền nhanh chóng qua 3 con đường chính: đường tiêu hóa, đường hô hấp và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng biểu hiện chủ yếu ở các vị trí bàn tay, bà chân và vùng miệng của trẻ, không chỉ gây khó chịu bên ngoài mà còn ảnh hưởng bên trong miệng khiến trẻ biếng ăn, quấy khóc, khó chịu.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị dành cho căn bệnh này, điều trị tay chân miệng chủ yếu dựa vào các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ không nên quá lo lắng vì tay chân miệng là bệnh lành tính, có thể khỏi hoàn toàn sau 7 – 10 ngày.
Để điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
Chế độ dinh dưỡng
- Cho trẻ ăn theo thực đơn mềm, mịn, chế biến dưới dạng chất lỏng để trẻ dễ tiêu hóa, tạo cảm giác dễ nuốt, không gây đau đớn khi đi qua các vết loét ở niêm mạc miệng. Mẹ có thể thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ với các món ăn như cháo, súp, bột, sữa, bánh flan, sữa chua, phô mai..
- Trong trường hợp trẻ kém ăn, không nên ép trẻ quá mức sẽ khiến trẻ sợ ăn. Thay vào đó, mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn cho trẻ thành nhiều bữa nhỏ với lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn.
- Dùng loại thìa nhỏ, không có cạnh sắc để cho bé ăn, tránh chạm vào các vết mụn loét gây đau rát cho trẻ.
- Để điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ hiệu quả, cha mẹ nên bổ sung thêm vitamin C từ rau xanh, hoa quả cho trẻ mỗi ngày.
Chế độ vệ sinh cho trẻ
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ.
- Xà phòng chính là “thuốc đặc trị” bệnh tay chân miệng hữu hiệu nhất mà cha mẹ không thể quên.
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày để tránh việc các vết thương bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn dẫn đến nhiễm trùng.
- Cha mẹ nên lưu ý ngâm tã lót, quần áo của trẻ với dung dịch sát khuẩn hoặc luộc nước sôi trước khi giặt để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Trong gia đình có nhiều trẻ nhỏ, không cho trẻ dùng chung các vật dụng như bình sữa, ly, muỗng… và đồ chơi để tránh nguy cơ lây lan giữa các bé.
- Tuyệt đối không áp dụng quan niệm sai lầm là kiêng tắm, kiêng gió, chích cho mụn nước mau vỡ. Những tác động này không chỉ không hỗ trợ điều trị bệnh chân tay miệng cho trẻ mà còn là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ nên dùng khẩu trang y tế và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi điều trị bệnh tay chân miệng thành công để tránh lây truyền cho các bạn cùng lớp.
Trên đây là những kiến thức giúp cha mẹ có thể điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ hiệu quả, an toàn, khoa học. Trong một số trường hợp bệnh không thuyên giảm hoặc có biến chứng bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn