Hãy coi bệnh nhân là “con bệnh” đừng coi là “bệnh”

Khi viết những dòng về lương tâm thầy thuốc tôi chỉ nhằm gửi tâm sự của một người thầy thuốc, đã trải qua gần hết những năm tháng trong nghề vui cũng lắm, buồn cũng nhiều. Không phê phán, không tán dương, không chê trách, chỉ là những lời nhắn nhủ của một người trong nghề đã dành gần trọn thời gian cho nghề mà tôi yêu thích.

Hãy coi bệnh nhân là “con bệnh” đừng coi là “bệnh”

Chúng ta khi đến với nghề bằng những con đường khác nhau, có những người đến với nghề với sự thuận lợi bày ngay trước mắt có những người phải vượt qua cả những chông gai. Nhưng dù đến bằng cách này hay cách khác thì chúng ta vẫn luôn tự hào với nghề chúng ta chọn. Người đời thường nhìn thày thuốc bằng những hình ảnh méo mó phiến diện.

Không có bệnh, chỉ có con bệnh.

Chúng ta biết rằng chọn ngành Y là chọn một cái nghiệp cho cả đời, đó là phục vụ con người, trong đó có sự hi sinh vì đối tượng của chúng ta là một con người biết vui, biết buồn, biết đau thương giống như bản thân ta. Nếu không có lòng yêu thương con người như một thực thể sống động, có lẽ ta không nên chọn nghề Y.

Nghề y là nghiệp của cả cuộc đời

Nếu để làm giàu tôi khuyên bạn nên chọn kinh doanh hay ngành nghề nào khác. Cả hàng ngàn vạn bác sĩ đang sống trong cảnh khó khăn, nhưng vẫn âm thầm xây dựng nền y khoa Việt Nam.

Ngày còn ngồi ghế trường Y, tôi vẫn nhớ các thầy dạy rằng:”Không có bệnh, chỉ có con bệnh thôi” tức là bệnh là một khái niệm thuần túy đúc kết từ nhiều người bệnh, còn trước mắt thày thuốc là con người cụ thể có vui có buồn, có đau thương.

Nếu người Thầy thuốc mà xem bệnh nhân như một “loại bệnh” rồi thì khi ấy chỉ cần dùng các công thức như bệnh này thì cần xét nghiệm gì và điều trị như thế nào. Như thế chưa đủ, điều mà thầy tôi gửi gắm vào câu nói đó còn sâu xa hơn gấp trăm lần. Và gửi vào đó cả một triết lý về đạo đức nghề Y. Thực thế con bệnh đang đứng trước mặt bác sỹ cũng có tâm tư tình cảm, con bệnh ấy đang rất cần sự quan tâm chia sẻ của những người đang gián tiếp quản lý mạng sống của họ.

Bác sỹ đừng dần đánh mất mình.

Với tình trạng bệnh quá tải như hiện nay dường như các thầy thuốc không còn thích tiếp xúc với người bệnh theo kiểu người với người, thậm chí nhiều Bác sỹ còn không nhìn bệnh nhân khi khám, chỉ hỏi theo quán tính. Những thói quen tai hại đó làm mất dần tính người của thầy thuốc.

Một ca phẫu thuật 

Với tác phong làm việc như thế! Thuốc trở nên chai sạn dần theo thời gian, lòng thương người mất dần theo năm tháng dẫn đến sự vô cảm mà đáng lẽ ra bác sỹ phải là người điều trị căn bệnh này trước tiên.

Nhớ lại, cách đây trên hai mươi năm,  thời chúng tôi những con người mới ra trường và được cử đi các tỉnh có địa bàn khó khăn  trong lúc trực để cấp cứu.

Một ca bệnh mà khiến tôi nhớ tới tận bây giờ và mỗi lúc nhắc lại tôi chẳng thể bỏ sót bất cứ một tình tiết nào khác. Tiếng khóc của một cô con gái trước cơn hấp hối của người cha già đang gồng mình trong những con đau của căn bệnh tâm phế mãn giai đoạn cuối.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc của cô gái đó: “Ba ơi, rồi đây sớm hôm không còn ai đưa con đi làm mỗi sớm, ai lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ nữa, ba ơi!!…”Nhìn ông cụ đang quằn quại trên giường bệnh chiến đấu giành giật sự sống qua từng hơi thở thoi thóp, với những nếp nhăn phong trần, già nua trên gương mặt nhuốm màu thời gian do biết bao thăng trầm trong cuộc sống, rồi nhìn cô gái trẻ đang quỳ bên giường. Tôi cảm thấy xấu hổ và bất lực và nước mắt cũng trào ra.

Có lẽ số phận đã đưa đẩy tôi và các bạn vào nghề này là phải chứng kiến những khổ đau của người khác. Tôi sợ một ngày nào khi mình không còn cảm thấy đau trước cái đau của đồng loại khi ấy chúng ta đã đánh mất chính mình.

Thực sự ngoài những bác sĩ thoái hóa, hàng ngày vẫn còn bao nhiêu Bác sĩ đang cố gắng nỗ lực, cả những bạn thầy thuốc trẻ,  hãy kiên nhẫn và cố gắng. Rồi những cái bất hợp lý sẽ không còn tồn tại mãi.

Lam Hạ: Ytevietnam.edu.vn

Exit mobile version