Hướng dẫn cách sơ cứu người bị đột quỵ sao cho đúng
Bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, bệnh khiến cho bộ não bị mất oxy nghiêm trọng khiến các tế bào não chết dần chỉ trong vòng vài phút. Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ thì cần phải sơ cứu như thế nào để tránh nguy hiểm đến tính mạng?
- 5 dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ không thể bỏ qua
- Cảnh báo: Cứ 2 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim mạch
- Cách chăm sóc người bị đột quỵ sao cho đúng?
Vì sao cần phải tiến hành sơ cứu ngay khi bị đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi tình trạng não bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng bộ não. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là do động mạch cung cấp và lưu thông máu cho một vùng não nào đó bị chẹn đột ngột bởi một cục máu đông hay mảng xơ vữa động mạch. Bệnh nhân bị tai biến mạch mãu não có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong. Đó là lý do vì sao cần phải có cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ một cách chính xác nhất để xử lý kịp thời.
Cách sơ cứu người bị đột quỵ
Khi phát hiện ra những dấu hiệu của tai biến mạch máu não bạn cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất vì não là cơ quan quan trọng và rất nhạy cảm, nếu để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể hồi phục lại được. Sau đây là những bước sơ cứu cơ bản trong việc sơ cứu người bị đột quỵ.
Bước 1: Người nhà khi phát hiện những dấu hiệu đột quỵ cần nhanh chóng đỡ bệnh nhân để tránh việc bệnh nhân bị té ngã gây tổn thương cơ thể. Tuyệt đối không được bế thốc nạn nhân lên mà phải từ từ nhẹ nhàng đặt bệnh nhân xuống và nằm nghiêng sang một bên, giữ xung quanh được thông thoáng để bệnh nhân được dễ thở.
Bước 2: Lấy khăn lau sạch cho bệnh nhân nếu bệnh nhân có hiện tượng nôn ói, lau sạch các đờm nhớ trong miệng để bệnh nhân dễ thở, đảm bảo mọi yếu tố giúp người bệnh luôn có oxy để nuôi dưỡng cơ thể.
Bước 3: Trong lúc chờ xe cấp cứu đến thì người nhà chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân chặt chẽ, hỏi thăm độ tỉnh táo của bệnh nhân, có nhận biết được xung quanh hay không, có hôn mê hay không. Nếu thấy hiện tượng bệnh nhân đại tiểu tiện mất tự chủ nghĩa là bệnh nhân đã mất ý thức.
Bước 4: Người nhà nên chú ý kiểm tra nhịp tim và huyết áp ngay tại thời điểm đó, tuyệt đối không cho uống thuốc hay nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào. Vì khi chưa nắm rõ được bệnh nhân do thiếu máu hay xuất huyết não thì nếu cho uống thuốc không đúng cách sẽ vô tình làm hại đến bệnh nhân và triệu chứng càng xấu đi.
Bước 5: Khi xe cấp cứu đến hỗ trợ bác sĩ đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nên giữ yên tĩnh cho bệnh nhân, tránh va đập, ồn ào.
Trên đây là những bước cơ bản giúp bạn xử lý kịp thời trong trường hợp người nhà bị tai biến mạch mãu não, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Chú ý mọi vấn đề sau khi đột quỵ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của bác sỹ, tránh trường hợp bệnh tái phát.
Phương Thảo-Ytevietnam.edu.vn