Người thầy thuốc già và những bài học nghề Y quý báu

Không biết bao nhiêu bệnh nhân đã được lương y Nguyễn Huy chữa khỏi bệnh, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ông đều bốc thuốc mà không lấy tiền… Bởi ông tâm niệm: “Đã là người thầy thuốc thì phải làm việc bằng cái tâm”.

Lương y Nguyễn Huy một người thầy thuốc đúng nghĩa “Lương y như từ mẫu”
Lương y Nguyễn Huy một người thầy thuốc đúng nghĩa “Lương y như từ mẫu”

Sự “kỳ diệu” của thuốc Đông Y

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh, Lương y Nguyễn Huy đã có nhiều năm làm nghề bốc thuốc, cứu người. Nhà Lương y Nguyễn Huy nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Mai (Hà Nội).

Căn nhà vài chục mét vuông thế nhưng chứa toàn thuốc và những cuốn sách thuốc gia truyền  từ nhiều đời của gia đình ông. Ngôi nhà nhỏ, con ngõ hẹp là vậy, thế nhưng lúc nào tôi đến thăm ông đều nhiều người đang ngồi chờ lấy thuốc.

Tôi vốn là sinh viên khoa Y Dược của trường Cao đẳng Y Dược Paster. Tôi may mắn gặp được lương y Nguyễn Huy khi tôi còn học cấp 3 và cũng chính vì gặp được ông đã khiến tôi đam mê với Đông y, sau khi học hết cấp 3, tôi đã lựa chọn ngành này.

 Ngày ấy mẹ tôi bị mắc chứng bệnh đau thần kinh tọa, sức khỏe bà khá yếu nên thường xuyên ốm đau. Bà đã chữa ở rất nhiều nơi, nhưng chỉ đỡ được một thời gian thì lại đổ bệnh trở lại, mẹ tôi luôn phải sống chung với những cơn đau đầu  triền miên và thuốc khiến người mẹ tôi gầy guộc xanh xao.

Một hôm, có người bạn của mẹ tôi cũng từng bị đau đầu, đau vai gáy… lấy thuốc Đông y chỗ thầy Huy uống và khỏi nên bảo mẹ tôi thử lấy thuốc coi sao. Vì nhà tôi cách nhà thầy Huy cũng không xa lắm, trong lúc ấy, bố tôi lại đi vắng, nên tôi chở mẹ đến nhà thầy để khám và bốc thuốc.

Thật kỳ diệu, sau khi uống thuốc chỗ lương y Nguyễn Huy, mẹ tôi đã đỡ hẳn. Bà hết đau đầu, da dẻ hồng hào khỏe mạnh. Trước đây, tôi luôn nghĩ chỉ có thuốc tây mới chữa được bệnh tốt nhất, thế nhưng khi mẹ tôi được thầy Huy khám, bốc thuốc Đông y và chữa khỏi, tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.

Lương y Nguyễn Huy đang bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người

Cái tâm của người thầy thuốc già

Cũng từ đó, tôi hay đến nhà lương y Nguyễn Huy, khi thì lấy thuốc cho mẹ, khi lấy thuốc cho họ hàng, khi thì đến hỏi về những thứ mình chưa biết trong Y học cổ truyền để củng cố kiến thức trên trường lớp. Được tiếp xúc với ông khiến tôi vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ, một người thầy thuốc đúng nghĩa “Lương y như từ mẫu”.

Tôi có may mắn được nhiều dịp trò chuyện với ông, mỗi lần như vậy, ông đều kể cho tôi nghe về những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được ông cứu giúp mà không hề lấy bất cứ một đồng tiền thuốc. Tôi nhớ một lần, ông đọc báo thấy trường hợp của một phụ nữ nghèo, lại ốm đau bệnh tật triền miên. Vậy là ông đã gọi tôi, nhờ tôi chở người phụ nữ đó đến ông khám và cho thuốc.

Hay lần tôi sang gặp ông để hỏi về một số bài thuốc thì lại thấy ông đang lấy xe để đi chữa bệnh cho ai đó. Ông bảo tôi cứ ngồi chờ ông một lát, ông đi xem bệnh cho người ta đã. Đến lúc về đến nhà, ông thấy tôi vẫn ngồi chờ, ông giật mình hỏi, “Ơ thế cháu chưa về à? Rồi ông kể: “Bác đang đi trên đường gặp một tai nạn, nạn nhân bị ngã choáng váng suýt bất tỉnh, sợ đưa đến bệnh viện sẽ không kịp hoặc bị sao. Bác liền hô hào người ta lấy nước tiểu thêm vào mấy miếng gừng tươi và cho người đó uống nên may không bị ngất rồi băng bó tạm và đưa đi bệnh viện”.

Lương y Nguyễn Huy nhìn tôi có vẻ ngơ ngác, ông cười và bảo: “Chắc cháu bác lấy nước tiểu cho người ta uống lạ lắm hả. Nước tiểu có tác dụng chống xốc trong những trường hợp nguy kịch đấy. Nước tiểu là một vị thuốc quý lắm, nó có công dụng chữa khá nhiều bệnh nếu chúng ta biết cách sử dụng”.

Ông nói thêm: “Hầu hết, tất cả những loại cây, con đều có công dụng chữa bệnh kể cả độc lẫn không độc, nếu chúng ta biết sử dụng với liều lượng cụ thể thích hợp sẽ trở thành bài thuốc vô cùng tốt thế nhưng chúng ta vẫn chưa khám phá hết và người ta vẫn chưa công nhận. Tuy nhiên, với nghề thuốc chúng ta phải lưu ý, nếu chỉ cần sai một ly là đi một dặm dẫn đến chết người ngay. Nên người học ngành y, làm thầy thuốc cần hết sức cẩn thận, không được phép sai khi bốc thuốc chữa bệnh cho người khác. Đây cũng là nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề Y đấy cháu à”.

Nối nghiệp gia đình, các con ông đều theo nghề thuốc và mỗi người đều mở một phòng khám Đông y gia truyền riêng. Vì muốn bố được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, các con ông đều khuyên ông nghỉ làm nghề thuốc. Nhưng ông bảo, mình còn sức khỏe là còn làm việc, còn giúp được cho mọi người thì mình càng phải cố gắng làm nghề và giữ nghề.

Cũng chính vì vậy mà, dù tuổi đã cao nhưng ông rất bận rộn, ngoài bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người ở nhà, ông còn đi dạy để truyền lại những kiến thức y học mà ông có cho lớp trẻ. Ông viết một số công trình về sức khỏe, cây thuốc, con thuốc được nhà nước giao. Viết một số sách về tương lai học để hoàn thành tâm nguyện cuối đời và một đam mê khác của ông. Ông từng nói với tôi: “Bác còn nhiều việc phải làm quá, không biết đến lúc nhắm mắt xuôi tay bác có làm xong kịp không, vì vậy bác đang phải sống vội cháu à”.

Được gặp và tiếp xúc với lương y Nguyễn Huy, với tôi như một cái duyên. Trong mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của ông đều toát lên cái “tâm” cái “tầm” của một người thầy thuốc. Từ ông, tôi đã học được rất nhiều bài học về lòng vị tha, đức tính nhân văn sâu sắc trong nghề Y. Tôi tự hứa với bản thân mình, sau này trên con đường Y khoa, tôi sẽ luôn làm như ông, sống như ông để giúp đỡ mọi người vượt qua bệnh tật bằng chính những cây thuốc, con thuốc mang nét đặc trưng của Việt Nam.

Bài dự thi Nét đẹp thấy thuốc

Thanh Hiên: ytevietnam.edu.vn

Exit mobile version