Những tình huống bi hài chuyện mừng tuổi ngày Tết
Mừng tuổi dịp Tết ngày nay không còn đơn giản là dịp để con cái chúc phúc cha mẹ, ông bà mừng con cháu ngoan ngoãn…mà còn kèm theo nhiều so sánh thua thiệt, khiến phong tục đẹp đầu năm dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười.
- Tâm sự của Bác sĩ 10 năm ngắm pháo hoa từ cửa sổ bệnh viện
- Những thú vui dịp tết các sinh viên ngành Y cần tránh tuyệt đối
- Tết cổ truyền dưới cái nhìn của giới trẻ
Phong tục mừng tuổi đầu năm
Mừng tuổi còn được gọi là lì xì là nét đẹp truyền thống của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Vào những ngày đầu năm mới, người già thường được con cháu mừng tuổi với ý nghĩa chúc thọ, mong sức khỏe, minh mẫn, con nhỏ được tặng phong bao với lời chúc ngoan ngoãn, học giỏi, chóng lớn… Đây là dịp mọi người được mừng nhau tuổi mới với những lời chúc ý nghĩa mong một năm mới tốt lành, hạnh phúc.
Số tiền mừng tuổi năm mới thường chỉ là số tiền nhỏ, tùy vào điều kiện mỗi gia đình, được đặt trong những phong bao màu đỏ hoặc vàng với ý nghĩa chính là lấy may và mang lại niềm vui đầu năm. Việc mừng tuổi đầu năm không quan trọng số tiền nhiều hay ít mà ở thông điệp và tấm lòng của người gửi, cùng với bánh Chưng ngày Tết, đây là phong tục không thể thiếu làm nên hương hồn ngày Tết.
Những tình huống bi hài chuyện mừng tuổi ngày Tết
Cùng với sự phát triển của xã hội, việc mừng tuổi ngày Tết ngày càng trở nên cởi mở với nhiều mục đích khác nhau, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của truyền thống lâu đời này như: Người lớn lấy việc lì xì trẻ nhỏ là để biếu xén, lấy lòng bố mẹ chúng; chuyện so bì số tiền lì xì giữa các thành viên trong gia đình; trẻ đòi tiền mừng tuổi, chê lì xì ít…khiến việc mừng tuổi đầu năm vô tình trở thành gánh nặng với nhiều người trong đời sống trẻ.
Chị Hoàng Vân (Đống Đa, Hà Nội) kể lại câu chuyện bi hài ngày mùng 1 Tết vì năm nay anh chị chuẩn bị sinh em bé nên mọi khoản chi tiêu tiết kiệm hơn, tiền biếu bố mẹ ngày Tết cũng giảm, việc lì xì cũng không được như năm ngoái ngày mới về làm dâu, thế nhưng khi vừa bóc phong bao lì xì, đứa cháu nhỏ trong gia đình công khai chê…lì xì ít kèm câu nói khiến chị muốn độn thổ: “Chú thím năm nay kẹt xỉn hơn năm ngoái”.
Còn Trung Anh (Nam Định) được phen nhớ đời khi ngày Tết về ra mắt người yêu, chuẩn bị tiền lì xì cho các em của gia đình nhà ngoại tương lai cẩn thận, ai ngờ lì xì xong đám trẻ mách “bố mẹ vợ”: “Anh năm nay mừng tuổi ít hơn anh năm ngoái”, khiến tất cả mọi người chỉ biết cười trừ.
Cần lấy lại nét đẹp vốn có của lì xì ngày Tết
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vịnh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục chia sẻ: Các biến chứng của chuyện lì xì đầu năm đa phần xuất phát từ ứng xử chưa chuẩn mực của người lớn, điều này không chỉ ảnh hưởng đến nét đẹp của phong tục tập quán lâu đời mà còn ảnh hưởng tới tư duy, tình cảm của con trẻ.
Lì xì đầu năm chỉ là một phong tục nhỏ trong số rất nhiều truyền thống của dân tộc nhưng có ý nghĩa lớn. Do đó chúng ta cần lấy lại nét đẹp vốn có của văn hóa Việt, không nên để trẻ em bị ảnh hưởng bởi tuy duy vật chất nhiều ít mà không trân trọng những giá trị tinh thần.
Theo đó, cha mẹ nên giải thích cho các em về ý nghĩa của phong tục mừng tuổi đầu năm. Đồng thời định hướng cho trẻ cách sử dụng đồng tiền có được vào các mục đích tốt cho học tập hoặc mẹ và bé cùng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Hiện vật mừng tuổi không nhất thiết bằng tiền mặt mà có thể là những thức quà bánh, sách truyện…chứa đựng tình cảm của người tặng, không gây áp lực cho cả hai bên.
Để mừng tuổi đầu năm giữ được nét đẹp nguyên bản, chúng ta cần trân trọng đồng tiền lì xì với đúng ý nghĩa của nó là món quà cầu phúc, chúc may, mang lại niềm vui cho mọi người.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn