Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ cha mẹ không thể bỏ qua
Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có thể dễ dàng nhận biết thông qua các biểu hiện trên da của trẻ, việc phát hiện triệu chứng kịp thời giúp cha mẹ có cách điều trị bệnh tay chân miệng kịp thời bảo vệ sức khỏe của trẻ.
- Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào cho hiệu quả?
- 3 cấp độ của bệnh tay chân miệng ở trẻ và cách điều trị
- Đâu là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ?
Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Tay chân miệng là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, có thể bùng phát thành dịch bệnh trên diện rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt độ tuổi dưới 5 tuổi.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện sau 3 – 6 ngày kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Những biểu hiện ban đầu của trẻ là sốt nhẹ từ 38 – 38.5 độ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng… Ở giai đoạn đầu này, cha mẹ dễ lầm tưởng trẻ bị cảm cúm thông thường.
Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát. Lúc này các mụn nước bắt đầu xuất hiện ở niêm mạc miệng, kích thước 2 – 3mm, khi vỡ tạo thành các vết viêm loét miệng khiến trẻ khó khăn khi ăn uống. Đây là dấu hiệu bệnh tay chân miệng đầu tiên cha mẹ có thể nhận biết ở trẻ.
Sau 2 – 3 ngày, các mụn nước, bọng nước lan rộng xuống bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… Thông thường, mụn nước sẽ tồn tại từ 7 – 10 ngày sau đó tự khỏi.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus, vì vậy thuốc kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị bệnh. Để điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng của bệnh cũng như tăng cường vệ sinh cho trẻ.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng
Thời điểm bùng phát bệnh tay chân miệng phổ biến nhất là tháng 2 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 12. Virus gây bệnh có thể lây truyền giữa các trẻ qua chất tiết từ mũi miệng, phân, nước bọt… Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ chính như sau:
- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 6 ngày.
- Trẻ bị sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao trên 39 độ C.
- Chảy nước bọt liên tục, đau họng.
- Quấy khóc, biếng ăn.
- Run chi, hay giật mình, khó ngủ.
- Xuất hiện sang thương da ở lòng bàn tay, bàn chân, sang thương miệng tại vòm họng, niêm mạc má, lưỡi… Một số trường hợp không thể hiện các vết mụn nước rõ ràng mà chỉ dạng chấm hoặc hồng ban.
Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ
Ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và được bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm tư vấn điều trị đúng cách, không tự ý mua thuốc điều trị.
Do không có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, để điều trị bệnh cho trẻ, cha mẹ có thể cho bé dùng các loại thuốc hạ sốt, bổ sung nước cho trẻ, bổ sung chất dinh dưỡng trong chế độ ăn, chế biến thức ăn dạng lỏng cho trẻ dễ dàng tiêu hóa, vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, sử dụng dung dịch sát khuẩn để điều trị các vết thương ngoài da tránh nhiễm trùng…
Thông thường tay chân miệng sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày và có thể điều trị tại nhà. Việc đưa trẻ đến bệnh viện chỉ cần thiết khi xuất hiện các triệu chứng: sốt cao trên 39 độ, chới với, giật mình liên tục, bứt rứt khó chịu, quấy khóc,co giật…
Quá trình điều trị nếu không được thực hiện đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực.
Việc phát hiện kịp thời các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị bệnh đúng cách cho trẻ. Do đó theo dõi từng bước sức khỏe của trẻ là điều mọi cha mẹ cần lưu tâm để bảo vệ sức khỏe con yêu của mình!
Hoàng Thu- Ytevietnam.edu.vn