Việc không hiểu biết hay áp dụng việc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng theo cách dân gian vô tình khiến trẻ nhỏ không những không khỏi bệnh mà còn gặp nguy hiểm tới sức khỏe. Dưới đây là những sai lầm mà các mẹ thường hay mắc phải trong việc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ nhỏ nhằm giúp các mẹ biết cách phòng tránh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hơn.
- Thuốc Nam điều trị bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả tại nhà
- Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng bằng dấm táo hiệu quả tại nhà
- Tây y áp dụng thuốc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Những sai lầm khi điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé
Dùng tỏi để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng là một trong những phương pháp hiệu quả, tuy nhiên chỉ áp dụng cho người lớn và cũng không nên dùng quá nhiều trong ngày và không được dùng cho trẻ đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Các mẹ thường truyền tai nhau cách nhỏ nước ép tỏi vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên khoa thì hành động này là hoàn toàn sai lầm.
Không ai phủ nhận tác dụng của tỏi trong việc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng vì trong tỏi có chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và nấm gây bệnh trong cơ thể. Trong Đông y, tỏi có tính nóng và nếu nhỏ trực tiếp vào mũi trẻ sẽ gây nóng rát gây bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng, nước ép tỏi lại nóng, cay, đậm đặc ngay cả người lớn cũng sẽ bị bỏng rát huống chi là trẻ nhỏ.
Khi niêm mạc bị phỏng nếu không điều trị kịp thời còn dẫn đến hoại tử, khiến trẻ càng trở nên khó thở hơn buộc phải thở bằng miệng. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh ho, viêm phổi của trẻ, khiến việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Rửa mũi quá nhiều
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc rửa mũi cho trẻ giúp trẻ thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ chống viêm cho trẻ. Tuy nhiên nếu rửa quá nhiều cũng sẽ không tốt vì sẽ làm mất đi chất nhầy tự nhiên có trong khoang mũi khiến mũi bị khô, gây tổn thương niêm mạc và nhiễm khuẩn mũi càng nặng hơn. Việc thường xuyên rửa mũi ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thở và khứu giác của trẻ.
Các mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa trong trường hợp trẻ có triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, có nước mũi đặc. Lưu ý nếu như trời lạnh thì các mẹ nên ngâm lọ nước muối cho ấm lên rồi nhỏ mỗi bên mũi chừng 1/3 lọ tùy theo độ tuổi khoảng 3 lần/ngày.
Hút mũi cho trẻ
Khi trẻ bị khó thở, có đờm đặc nhiều bậc cha mẹ thường hay đưa miệng hút mũi cho em bé, tuy nhiên biện pháp này lại vô tình khiến bệnh của trẻ nặng hơn nếu cha mẹ đang bị nhiễm bệnh lây truyền nào đó. Vi khuẩn sẽ thông qua đường miệng và truyền vào cơ thể bé khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Bên cạnh đó việc áp dụng xilanh đưa vào mũi để hút dịch mũi cũng cần phải lưu ý vì nếu không làm đúng cách sẽ rất nguy hiểm, có thể làm trẻ sặc nước khi đó nước sẽ tràn vào màng phổi. Nếu thực hiện nhiều lần sẽ gây nên tình trạng phù nề niêm mạc khiến tình trạng nghẹt mũi không đỡ mà còn kéo dài hơn.
Lạm dụng thuốc nhỏ mũi
Một sai lầm nghiêm trọng trong việc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ là lạm dụng quá mức thuốc nhỏ mũi được mua tự do tại các nhà thuốc GPP không theo chỉ định của bác sĩ nhất là đối với các loại thuốc có chứa kháng sinh và corticoid khi chưa rõ nguyên nhân điều trị.
Thuốc corticoid không được dùng cho trẻ sơ sinh, nếu điều trị không đúng sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận, tăng đường huyết, ức chế việc lành vết thương. Tốt nhất nếu các mẹ thấy trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi, sốt cao kéo dài cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Trên đây là những sai lầm của các bậc phụ huynh khi điều trị bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ nhỏ tại nhà. Để trẻ không bị viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết, giữ vệ sinh cho trẻ vì sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ rất yếu, dễ bị bệnh.
Thanh Phương-Ytevietnam.edu.vn