Việc đưa ra hai phương án loại bỏ điểm sàn và tăng số lượng nguyện vọng thành không giới hạn, đã nảy sinh nhiều ý kiến, có người cho rằng Bộ GD&ĐT làm như vậy là buông lỏng đầu vào đối với việc tuyển sinh Đại học, mà chất lượng đầu ra lại vô cùng thấp.
- Bộ trưởng chỉ ra yếu điểm khiến các trường khó tự chủ được đại học
- Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hỗ trợ các trường CĐ, ĐH ngoài công lập
- Giáo dục nghề nghiệp giải quyết nút thắt của tuyển sinh
Chất lượng giáo dục bài toán nan giải
Trong nhiều năm nay, vấn đề chất lượng trong giáo dục đã trở thành bài toán khó có lời giải, đặc biệt đối với việc kiểm tra chất lượng đầu ra tại các trường vẫn chưa được thắt chặt và kiểm tra một cách sát sao. Trong năm 2017 này, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục đổi mới trong quy chế thi cử. Trong đó việc tất cả các môn đều thi trắc nghiệm, trừ môn ngữ văn sẽ ảnh hưởng tới tính công bằng và chính xác trong kỳ thi. Điều này đã khiến các học sinh và giáo viên chật vật tìm cách thích ứng với phương án đổi mới.
Trong tháng 11/2016 Bộ GD&ĐT công bố dự thảo tuyển sinh Đại học 2017, cùng với phương án bỏ đi điểm sàn ( ngưỡng chất lượng đầu vào) đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc mở cửa đầu vào Đại học, mà chưa quản lý chặt đầu ra sẽ dẫn tới hậu quả nhiều trường sẽ phải hạ điểm chuẩn xuống mức thấp để tranh dành thí sinh, từ đó chất lượng kém đi, ảnh hưởng tới đào tạo Đại học và đi ngược lại với chính sách phân luồng của Bộ trước đó.
Một số ý kiến cho rằng nếu như loại bỏ đi ngưỡng điểm sàn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào, thí sinh đạt 9 điểm 3 môn cũng sẽ đỗ Đại học, chỉ cần có đủ điều kiện tốt nghiệp THPT thì việc vào Đại học sẽ dễ như “cơm bữa”.
Cần giải pháp cho tổng thể quá trình
Nếu như Bộ đã nới lỏng đầu vào Đại học, cần phải có chính sách kiểm định chất lượng và siết chặt đầu ra của từng trường. Nếu như việc này không được thực hiện tốt sẽ dẫn tới buông lỏng giáo dục, việc này sẽ dẫn tới vòng luẩn quẩn, không đảm bảo chất lượng, cử nhân ra trường không xin được việc làm, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, lãng phí ngân sách của nhà nước cũng như tiền bạc và thời gian của thí sinh.
Theo tính toán thống kê trong năm 2016 số lượng sinh viên ra trường không có được việc làm là 191.000 người, nếu như không có giải pháp, con số này sẽ tăng lên 300.000 người trong vòng 5 năm tới. Chính thực trạng này đã khiến cho việc kiểm định chất lượng mà Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ mang tính hình thức, không mấy hiệu quả. Do đó cần có những phương án khác, hiệu quả nhất, thiết thực nhất trong năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay trên toàn cả nước chỉ có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong khi đó có những 500 trường Cao đẳng, trường Đại học. Việc kiểm tra chất lượng đang rơi vào tình trạng quá tải đáng báo động, trên thực tế ở Việt Nam thì sinh viên cứ vào được Đại học là có thể ra được, do đó tấm bằng cử nhân đã dễ kiếm, nay lại càng dễ hơn nếu như Bộ không đưa ra được phương án tốt nhất kiểm soát chặt đầu vào lẫn đầu ra.
Hầu như việc đánh giá chất lượng của các trường hiện nay còn khá thô sơ, lực lượng kiểm định quá mỏng, gây ra nhiều bất cập, lúng túng. Đặc biệt các quy định còn quá rườm rà, dẫn tới kết quả không chính xác nhanh chóng. Do đó chất lượng giáo dục tuyển sinh là vấn đề đáng lo ngại nhất, cũng là thách thức lớn nhất đối với Bộ GD&ĐT trong năm nay.
Hoàng Dung – Ytevietnam.edu.vn