Mùa hè thời tiết nắng nóng, oi bức nên các bé rất thích được bố mẹ cho đi bơi. Tuy nhiên, đây cũng là lý do có thể dẫn đến bệnh viêm tai ở trẻ em bởi khi ống tai bị tổn thương, vi khuẩn sẽ dễ xâm nhập vào các tổ chức liên kết nằm ở bên dưới da và phát triển gây bệnh.
- Điều trị hôi miệng như thế nào cho hiệu quả
- Các biện pháp phòng ngừa phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường
- Các biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh viêm da dị ứng
Theo bác sĩ Chu Hòa Sơn hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Y Dược nhận định, mùa nắng, khí hậu nóng, môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virut và vi khuẩn. Với thời tiết này, người lớn và nhất là trẻ em rất thích đi bơi cùng với thói quen uống nước lạnh đã góp phần cho một số bệnh hô hấp phát sinh, trong đó có các bệnh lý về tai.
Một số bệnh lý về tai dễ mắc
Khi đi bơi, nhất là ở nông thôn thường bơi ở ao, hồ, sông, suối… không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nó bị đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm, nhọt ống tai ngoài. Biểu hiện của bệnh là đau tai nhiều, ù tai và có thể giảm thính lực. Đau do viêm tấy hoặc nhọt ống tai ngoài thường làm bệnh nhân mất ngủ do cấu tạo da ống tai vành tai sát liền với màng sụn. Chỉ cần đụng nhẹ hoặc kéo vành tai là bệnh nhân đau nhói.
Viêm tai giữa ứ dịch có thể gây nhiều biến chứng.
Đối với người nhiễm nấm ống tai thì có biểu hiện ngứa tai nhiều, chảy dịch màu trắng đục hoặc nâu đen. Khi khối nấm mọc nhiều lấp đầy ống tai, bệnh nhân bị ù tai rất khó chịu. Trường hợp có nút biểu bì (ráy tai đọng lại thành khối), khi đi bơi, nước vào làm khối này trương to lấp kín hết ống tai gây ù tai giảm thính lực, khi nặng gây viêm đau nhức tai nhiều. Nguyên nhân do bị nước bẩn vào tai hoặc khi đi bơi nước vào làm độ PH và lớp bảo vệ da ống tai bị mất, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm.
Đối với viêm ống tai ngoài xảy ra khi bơi lặn, nước vào tai gây ngứa, cảm giác khó chịu, thường ngoáy tai và hi vọng sẽ thoải mái hơn, nhưng chính hành động này làm xây xước da ống tai dẫn tới phù nề, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm ống tai với các triệu chứng đau tai, đau ngày càng tăng làm cho khi nhai cũng đau, ngáp cũng đau, thậm chí há miệng cũng đau. Viêm ống tai thường kéo dài 5 – 7 ngày. Viêm ống tai rất hay tái phát nếu chúng ta vẫn hay ngoáy tai. Chính vì vậy, cần đi khám bác sĩ. Khi đó, phải vệ sinh tại chỗ ống tai, đồng thời dùng kháng sinh toàn thân.
Nguy hiểm bệnh viêm tai giữa ứ dịch
Đối với những người tập bơi, trẻ em thường hay bị sặc nước gây cay, hắt hơi, xì mũi. Nước cũng có thể lên tai gây viêm tai giữa ứ dịch. Viêm tai giữa ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có các triệu chứng viêm cấp. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng có thể dần dần tiến triển thành viêm tai giữa, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì vậy, tất cả các trường hợp mắc viêm tai giữa ứ dịch cần phải được điều trị và theo dõi nhằm phục hồi lại sức nghe, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng và di chứng gây điếc nặng ở giai đoạn sau.
Biểu hiện của bệnh không gây đau tai rõ rệt, chỉ đau nhói trong vài ngày đầu, gây khó chịu ở một hoặc cả hai tai. Do đó, bệnh thường dễ bị bỏ qua, nhất là với trẻ em hoặc khi chỉ bị một bên. Khi bệnh tiến triển, người bệnh thường có cảm giác tai lùng bùng hay óc ách; ù tai; nghe không rõ vì có cảm giác bít, tắc trong tai; nghe tiếng mình nói không thật như nghe qua micro (tiếng tự vang). Sau một vài ngày, các triệu chứng trên qua đi, có thể vẫn thấy ù tai và nghe kém. Nguyên nhân gây bệnh là do lỗ vòi tai bị tắc (trong bơi lội do bị sặc nước lâu hay do lặn sâu…), chức năng nghe sẽ bị ảnh hưởng.
Không tự ý điều trị
Trên thực tế cho thấy, đa số trẻ em bị viêm tai nặng do cha mẹ tự điều trị hoặc điều trị theo lời mách bảo. Tại một số địa phương, bà con thường sử dụng bài thuốc theo kinh nghiệm như lấy thuốc đông dược thổi vào tai, kháng sinh rắc vào tai… khiến cho bệnh không khỏi và tiến triển nặng hơn. Việc sử dụng thuốc nhỏ tai cần phải có chỉ định của thầy thuốc bởi thuốc nhỏ tai có nhiều loại, có loại dành cho những trường hợp màng nhĩ còn nguyên và có loại cho trường hợp đã thủng nhĩ. Có thuốc cấm sử dụng cho trường hợp đã thủng nhĩ vì hoạt chất ảnh hưởng niêm mạc tai giữa. Ngoài ra, tình trạng viêm tai điều trị không đúng cách, không khỏi dứt điểm hết sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: nghe kém, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7, chóng mặt do ảnh hưởng dây thần kinh tiền đình tai trong, vi khuẩn lan vào nội sọ gây viêm màng nhĩ, áp xe não…
Lời khuyên của bác sĩ
Để đề phòng bệnh viêm tai khi đi bơi, người dân nên chọn nơi bơi có nước sạch, không tắm ở nơi ao tù, nước đọng. Sau mỗi lần bơi thì nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ như nước muối 0,9%, sau đó lại nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Đặc biệt, không dùng tăm bông để ngoáy sâu vào trong tai.
Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang tốt nhất không nên đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh, không đi bơi khi đang bị cảm cúm, viêm tai giữa, viêm mũi xoang. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biệt là vùng sụn trước của tai thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
Nguồn: suckhoedoisong.vn, Cao đẳng Dược Tp HCM