Trong kho tàng dược liệu cổ truyền, Thiên môn đông là một vị thuốc quý giá, nổi bật với khả năng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế và làm mát ruột, giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến đường hô hấp và chứng táo bón do âm hư.
Thiên môn đông là rễ của cây Asparagus cochinchinensis, thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae). Dân gian còn gọi vị thuốc này bằng những cái tên thân thuộc như Tóc tiên leo, Thiên đông.
Phần rễ được sử dụng là những đoạn dài từ 3 – 8 cm, có đường kính khoảng 0,3 – 0,6 cm. Bề ngoài có màu vàng nhạt đến nâu, bóng, trong mờ. Khi bẻ ra thấy phần lõi trắng đục. Rễ có cảm giác dai, dính và mang hương thơm nhẹ. Vị của nó hơi đắng nhưng sau lại ngọt thanh, rất đặc trưng của những dược liệu dưỡng âm.
Sau khi thu hoạch, rễ được rửa sạch, bỏ lõi và sấy khô. Đây là dạng bào chế thông dụng nhất để bảo quản lâu dài và dễ sử dụng.
Theo Y học cổ truyền, Thiên môn đông có vị ngọt, đắng, tính hàn, quy vào hai kinh phế và thận. Những đặc tính này giúp nó phát huy công dụng nổi bật trong:
- Dưỡng âm, thanh nhiệt: Làm mát phế, giảm khô nóng bên trong cơ thể.
- Nhuận táo, nhuận phế: Làm mềm và làm dịu niêm mạc hô hấp cũng như ruột.
- Sinh tân chỉ khát: Giúp sinh dịch thể, cải thiện tình trạng miệng khô, họng khát.
- Thiên môn đông đặc biệt hữu ích trong các trường hợp như:
- Ho khan kéo dài, ít đờm hoặc đờm đặc dính
- Khô cổ họng, khó chịu do thời tiết hanh khô
- Khát nước, táo bón do nhiệt trong
- Suy nhược cơ thể, thiếu dịch tân âm
Thiên môn đông không chỉ được dùng riêng lẻ mà còn kết hợp hài hòa với các vị thuốc khác để tạo nên nhiều bài thuốc quý:
Thuốc bổ tam tài: Gồm Thiên môn đông, Nhân sâm, Thục địa – một bài thuốc mang ý nghĩa “thiên – địa – nhân hợp nhất”, giúp tăng cường sinh khí và phục hồi sức khỏe toàn diện.
Trị lở miệng lâu ngày: Kết hợp Thiên môn với Mạch môn và Huyền sâm, luyện với mật ong để viên ngậm, giúp làm dịu niêm mạc miệng và kháng viêm.
Ho lâu ngày kèm thổ huyết: Dùng Thiên môn với Ngũ vị tử và Mạch môn, chế thành cao mềm để uống hằng ngày, vừa bổ phổi vừa cầm máu.
Ho gà ở trẻ nhỏ: Phối hợp Thiên môn với Bách bộ, Bối mẫu, Qua lâu và một số vị khác để sắc uống giúp giảm ho và long đờm.
Tăng cường phế âm: Dùng Thiên môn với Sinh địa, Sa sâm, lá Tỳ bà… nhằm hỗ trợ phổi khỏe, giảm tình trạng ho và khô cổ.
Bồi bổ sau ốm: Thiên môn nấu thành cao lỏng, thêm rượu Đảng sâm dùng trước bữa ăn giúp cải thiện tình trạng suy nhược, mệt mỏi.
Theo bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Y học cổ truyền cho biết, liều dùng phổ biến của Thiên môn đông dao động từ 6g đến 12g mỗi ngày. Có thể dùng dạng sắc, tán bột, làm cao hoặc viên hoàn. Trong đa số các bài thuốc, Thiên môn thường được bỏ lõi trước khi chế biến để tăng hiệu quả và tránh gây khó tiêu.
Mặc dù có nhiều công dụng, Thiên môn đông không thích hợp cho mọi đối tượng. Những người có tỳ vị hư hàn, thường bị tiêu chảy, lạnh bụng, cần thận trọng khi dùng. Ngoài ra, do vị thuốc có tính hàn mạnh nên không nên lạm dụng kéo dài mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc Đông y.