Khám phá cây Chi tử: Thành phần hóa học, tác dụng dược lý và ứng dụng đa dạng trong đời sống và y học

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Chưa có đánh giá nào)
Loading...

Cây Chi tử là cây nhỏ thường xanh, nổi tiếng với hoa trắng thơm và quả vàng đỏ được dùng làm thuốc và tạo màu thực phẩm. Quả Chi tử chứa nhiều hoạt chất có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, kháng khuẩn và được ứng dụng trong cả y học cổ truyền lẫn hiện đại để điều trị nhiều bệnh lý.

Đặc điểm chung của cây Chi tử

Chi tử (Gardenia jasminoides Ellis) hay Dành dành, Sơn chi, Sơn chi tử, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Chi tử là cây thân nhỏ, thường xanh, cao khoảng 1-2 mét. Thân cây nhẵn, lá mọc đối, có lá kèm lớn và bề mặt lá trên bóng sẫm. Hoa của cây mọc đơn độc, có màu trắng tinh khôi và hương thơm đặc trưng, thường nở vào mùa hè. Quả có hình dáng giống chiếc chén, với 6-9 cạnh, bên trong chứa 2-5 ngăn và rất nhiều hạt. Khi chín, quả chuyển sang màu vàng đỏ, có mùi thơm nhẹ và vị đắng đặc trưng.

Cây Chi tử mọc hoang và được trồng ở nhiều vùng miền Bắc Việt Nam. Ở vùng núi, cây thường mọc ven suối. Tại vùng đồng bằng, người dân trồng Chi tử vừa để làm cảnh vừa để thu hoạch quả làm thuốc hoặc dùng tạo màu vàng tự nhiên cho thực phẩm như bánh xu xê, thạch. Quả được thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11, khi quả đã chín và chuyển sang màu vàng đỏ, sau đó quả được loại bỏ cuống và các tạp chất. Quá trình sơ chế có thể bao gồm đồ hoặc luộc nhẹ quả cho đến khi hạt hơi phồng lên, sau đó bỏ vỏ và lấy hạt phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học của Chi tử

Thành phần hóa học đa dạng của Chi tử chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm:

Iridioid glycosid: Đây là nhóm hoạt chất quan trọng, bao gồm gardosid, shanzhisid, geniposid, acid geniposidic và nhiều dẫn xuất khác.

Acid hữu cơ: Góp phần vào tác dụng dược lý của cây.

Carotenoid: Đặc biệt là α-crocin và α-crocetin, là các sắc tố tạo màu vàng đặc trưng cho quả và có tiềm năng chống oxy hóa.

Các hợp chất khác bao gồm 5β-hydroxygeniposid, 10-acetylgeniposid, sắc tố và một lượng nhỏ tinh dầu., quả Chi tử còn chứa khoảng 10-20% manit.

Các ứng dụng trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền Chi tử được biết đến với các tác dụng chính là thanh nhiệt trừ phiền (giảm cảm giác bứt rứt, khó chịu do nhiệt), lợi tiểu, lương huyết chỉ huyết (mát máu và cầm máu). Thường được dùng để điều trị các chứng sốt cao, tâm phiền, hoàng đản (vàng da) kèm tiểu đỏ, các chứng chảy máu như đi tiêu ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, cũng như các vấn đề về mắt như đỏ, sưng đau. Dùng ngoài có thể giúp giảm sưng đau do chấn thương.

Công dụng theo y học hiện đại

Các nghiên cứu Đông y hiện đại đã chứng minh nhiều tác dụng dược lý của Chi tử:

Lợi mật: Các hoạt chất như crocin, crocetin và genipin có khả năng làm tăng sự bài tiết mật.

Ức chế tiêu hóa: Genipin có tác dụng ức chế nhu động tự nhiên của dạ dày và ruột, cũng như giảm co bóp do các tác nhân khác gây ra.

Tác động lên hệ thần kinh trung ương: Cao chiết từ Chi tử có thể có tác dụng trấn tĩnh và làm giảm hoạt động tự nhiên ở động vật thí nghiệm.

Giảm đau: Các hoạt chất genipin và gardenosid, cũng như dịch chiết nước từ Chi tử, đã được chứng minh có tác dụng giảm đau trong các thử nghiệm trên động vật.

Hạ huyết áp: Nước sắc và dịch chiết cồn từ Chi tử có thể gây hạ huyết áp tạm thời ở động vật.

Ảnh hưởng đến tim mạch và cholesterol: Dịch chiết có thể làm giảm sức co bóp cơ tim, và crocetin có khả năng giúp giảm cholesterol máu.

Kháng khuẩn và chống viêm: Chi tử có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn (tụ cầu khuẩn vàng, não mô cầu) và nấm gây bệnh ngoài da. Dịch chiết ethanol cũng có tác dụng chống viêm.

Gây tiêu chảy: Một số glycosid trong Chi tử có thể gây tiêu chảy ở động vật thí nghiệm.

Liều dùng và các bài thuốc sử dụng Chi tử

Trong Y học cổ truyền, liều dùng hàng ngày của Chi tử thường là 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Trong đó lá tươi có thể được giã nát để đắp lên các vùng mắt sưng đau hoặc quả giã nát đắp lên nơi sưng đau do chấn thương. Màu vàng tự nhiên từ Chi tử an toàn và được sử dụng để nhuộm màu cho một số món ăn. Chi tử kết hợp với các dược liệu khác để điều trị các chứng bệnh như vàng da, viêm gan, bỏng, sốt ở trẻ em, ho ra máu, chảy máu cam, tiểu ra máu, loét miệng…

Lưu ý khi sử dụng

Chi tử có tính hàn và có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Những người có thể trạng suy nhược, tỳ vị hư hàn, tiêu hóa kém, dễ bị tiêu chảy hoặc đang mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng và tốt nhất là không nên sử dụng.

 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới