Tỷ lệ dân số Việt Nam mắc viêm gan B từ 10-20%, nếu thai phụ mắc viêm gan B có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Hướng dẫn bổ sung các chất cần thiết cho phụ nữ có thai đúng cách
- Chế độ dinh dưỡng trong các giai đoạn của thời kỳ mang thai
- Lợi ích của nước dừa bà bầu nên biết
Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh gan
Theo Tin tức Y học, thống kê của Hội gan mật Việt Nam, khoảng 10 đến 20% dân số của nước ta mắc các bệnh về gan, trong đó viêm gan B chiếm đa số. Có khoảng 12 triệu người mắc viêm gan B trong đó có hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm gan siêu vi B mạn tính. Viêm gan B là bệnh lây theo đường máu, có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, nếu trong ba tháng cuối thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con lên đến 60%.
Ảnh hưởng của viêm gan B đối với thai phụ và thai nhi:
Bác sĩ Chu Hòa Sơn, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, khi mang thai thì sức đề kháng của phụ nữ thường giảm, do đó khi bị nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn do suy gan cấp hoặc tối cấp và nếu hồi phục thì cũng dễ diễn tiến mạn tính hơn người thường.
Thai phụ mắc viêm gan B sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn đồng thời đi kèm chán ăn và vàng da (mắt và màu da trở nên vàng nhợt).
Người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, tiểu đường thai kỳ, bé sinh ra dễ bị suy hô hấp…
Khi chuyển dạ hoặc bị sảy thai, người mẹ có nguy cơ tử vong cao do mất các yếu tố đông máu và có thể rơi vào tình trạng hôn mê do gan mất chức năng chống độc.
Khi thai phụ bị viêm gan do nhiễm siêu vi B, ngoài việc dùng thuốc, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ nhờ đó làm chậm thời gian của quá trình tiến triển bệnh từ viêm gan mạn sang xơ gan.
Bà bầu nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi
Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh gan
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho thai phụ bị bệnh gan nên chú ý 1 số điểm sau:
- Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, nhờ đó chức năng gan được phục hồi tốt.
- Mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiết mật cùng một lúc trong thời gian dài cho gan.
- Ăn uống đúng giờ, đặc biệt lưu ý không để cơ thể bị đói. Khi đói gan sẽ phải lấy glucogen dự trữ để tiêu hao cho hoạt động của cơ thể, điều này là tác nhân khiến gan trở nên mệt mỏi hơn.
- Nên tạo thói quen ăn uống tại nhà, tự nấu ăn, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn bày bán sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
- Nên chế biến những món luộc, hạn chế các món nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật vì những đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến gan đang bị bệnh phải làm việc vất vả hơn, nó sẽ làm cho gan càng trở nên mệt mỏi, suy yếu hơn.
- Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp tăng cường vitamin cho cơ thể (>400g/ngày).
- Bổ sung lượng carbohydrates một cách đầy đủ cho cơ thể từ các loại gạo, ngũ cốc để cung cấp lượng đường cần thiết cho gan.
- Thai phụ viêm gan B ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý như trên thì cần kết hợp tăng cường nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái, luyện tập thể dục thể thao như: dưỡng sinh, yoga, đi bộ… việc điều trị bệnh sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngô Huệ – Ytevietnam.edu.vn.