Viêm não Nhật Bản (VNNB) được xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm với những tổn thương hệ thần kinh khá nghiêm trọng nếu không được khám và điều trị kịp thời.
- Bác sĩ chỉ ra 4 nguyên nhân gây đau lưng mạn tính
- Nguyên nhân khiến trẻ mắc Đái tháo đường mà cha mẹ không ngờ tới
- Bác sĩ tư vấn điều trị dị ứng phấn hoa như thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa chia sẻ biện pháp phòng và điều trị viêm não Nhật Bản
Dịch tễ bệnh viêm não Nhật Bản
Theo chia sẻ của Bác sĩ Phạm Văn Hữu giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, Viêm não Nhật Bản (VNNB) được xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm với những tổn thương hệ thần kinh khá nghiêm trọng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể để lại nhiều dư chứng nặng nề, đôi khi gây tử vong cho người bệnh. Hiện tại ở Việt Nam tỉ lệ mắc VNNB cao nhất ở nhóm trẻ em 5 – 9 tuổi. Bệnh VNNB hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khả năng dẫn đến tử vong là rất cao.
Bệnh để lại rất nhiều di chứng nặng nề như chậm phát triển tâm thần, co giật, liệt, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người… Nguyên nhân gây bệnh là một loại virus thuộc nhóm B của một dòng virus có tên khoa học là Arbovirus. Bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người, qua đó truyền virus cho người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39 – 40 độ C
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản
Điều dưỡng viên Lâm Thị Nhung giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, ở trẻ lớn và người lớn dấu hiệu thường gặp:
- Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39 – 40 độ C, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
- Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là “cứng gáy” và dấu hiệu Kernig (dấu hiệu này do Bác sĩ chuyên khoa khám và xác định). Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều khuôn mặt như cơn quay mắt quay đầu, co cứng cơ mặt, co giật, run giật, mất vận động ngôn ngữ, liệt nửa người.
- Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề như nhiệt độ cơ thể dao động, tăng tiết đờm dãi, xanh tái, rối loạn hô hấp, nhịp tim nhanh, bí đại tiểu tiện, chướng bụng, nôn và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
- Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện hơn, chính vì thế cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, nôn ói nhiều, thóp phồng (nếu còn thóp), gồng cứng người.
Phác đồ điều trị và phương pháp phòng bệnh
Dược sĩ Đại học chia sẻ, hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus và tiêm phòng vacxin là biện pháp quan trọng nhất trong phòng và điều trị viêm não Nhật Bản. Điều trị bệnh VNNB chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng ở người bệnh, phối hợp những điều trị hỗ trợ và nâng đỡ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe cho người bệnh. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ 1 từ 1 – 2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Việc phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo gồm những phương pháp sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, loại bỏ các ổ bọ gậy, nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi.
- Thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình, khi đi ngủ cần ngủ mùng để tránh muỗi đốt.
- Tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp, bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh viêm não Nhật Bản và chủ động phòng bệnh hiệu quả.
Thanh Mai – ytevietnam.edu.vn