Cảnh báo về việc sử dụng kháng sinh không hợp lý

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và kinh tế của người bệnh.

Sử dụng kháng sinh là con dao hai lưỡi

Sử dụng kháng sinh là con dao hai lưỡi

Sự phát minh ra kháng sinh là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế kỷ XX, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội: giảm tỷ lê tử vong và các biến chứng của các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh giúp chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo do vi khuẩn và giúp khống chế nhiều bệnh dịch nguy hiểm như: dịch hạch, dịch tả…

Tuy nhiên, nhiều thầy thuốc sử dụng kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết làm tăng tỷ lệ kháng thuốc dẫn đến các nhiễm trùng nặng. Sự lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh một các bừa bãi không nắm vững nguyên tắc, nên gây ra nhiều tác hại không nhỏ: ngoài tình trạng vi khuẩn kháng thuốc càng ngày càng tăng, các kháng sinh có khi gây ngộ độc, dị ứng, loạn khuẩn… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và kinh tế. Vì vậy sản xuất ra nhiều loại kháng sinh mới cần phải sử dụng kháng sinh có hiệu quả để hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn và những tác hại của kháng sinh đối với cơ thể.

HẬU QUẢ CỦA VIỆC SỬ DỤNG KHÁNG SINH KHÔNG HỢP LÝ

– Gây lãng phí: Nhiều bệnh nhiễm khuẩn do vi rút thì không cần điều trị bằng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh không có tác dụng sẽ là gây lãng phí.

– Không khỏi bệnh hay hạn chế kết quả điều trị: Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định gây lãng phí đồng thời còn không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, thí dụ bệnh nhân bị lao phổi mà lại được chữa bằng ampicillin

– Chậm chẩn đoán và mất cơ hội cứu sống bệnh nhân: Sử dụng kháng sinh sớm và không đúng chỉ định có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân vị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, làm sai lạc chẩn đoán, tồn lưu mầm bệnh …càng để xử trí bệnh chậm hay điều trị không triệt để.

– Tác dụng độc hại: Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định có khi dễ bị gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể chết người. Trên thị trường thuốc Việt Nam, nhiều loại kháng sinh còn có tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài có khả năng gây suy tủy, ví dụ trường hợp sử dụng Chloramphenicol ở trẻ em….

– Tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn: Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc, là hậu quả tai hại, rộng lớn và lâu dài cho toàn xã hội… Việc lạm dụng thuốc kháng sinh tạo nguy cơ lớn để chọn lọc càng nhiều biến chủng vi khuẩn kháng thuốc.

CÁC DẠNG SỬ DỤNG KHÁNG SINH KHÔNG HỢP LÝ

– Kê đơn thuốc kháng sinh khi không cần thiết

Hầu hết bệnh nhân và thầy thuốc có suy nghĩ sai lầm khá phổ biến khi bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng (sốt) là dùng kháng sinh, không chỉ dùng đơn kháng sinh mà có khi 2-3 loại kháng sinh, điều trị bao vây, hy vọng là nhanh khỏi bệnh. Điều này dẫn đến hậu quả là: nhiều bệnh sốt do virus đã được dùng kháng sinh, nhiều bệnh nội khoa có sốt không do nhiễm trùng vẫn được dùng kháng sinh…

– Sử dụng kháng sinh không thích hợp với bệnh và tác nhân gây bệnh

Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi, nhiều khi tuy biết rằng không có chỉ định nhưng bác sĩ vẫn viết đơn thuốc có kháng sinh vì chẩn đoán không rõ ràng, chẩn đoán bệnh chưa đúng hoặc không đúng, kê đơn kháng sinh điều trị bao vây. Dự đoán mầm bệnh chưa chính xác, sử dụng kháng inh phổ rộng. Hạn chế về xét nghiệm vi sinh hoặc không có xét nghiệm vi sinh ở bệnh viện tuyến huyện. Thầy thuốc chưa cập nhật kịp thời các kiến thức về thuốc kháng sinh, tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn.

– Sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng và liệu trình điều trị

Sử dụng kháng sinh với liều lượng thấp hơn so với liều lượng chuẩn/ngày, chủ yếu dựa vào khuyến nghị của nhà sản xuất. Thầy thuốc chưa điều chỉnh liều phù hợp theo tình trạng ệnh nhân như cân nặng, chức năng gan, chức năng thận, chức năng tiêu hóa…Liệu trình điều trị bằng kháng sinh hoặc quá ngắn, bệnh nhân dùng kháng sinh chưa đủ liệu trình điều trị, thầy thuốc hoặc cả bệnh nhân thấy hết triệu chứng nhiễm trùng thì dừng sử dụng kháng sinh. Liệu trình điều trị hoặc quá dài, bệnh viện thường kéo dài thời gian sử dụng kháng sinh ở những bệnh nhân nằm viện lâu, bệnh nhiều cơ quan, bệnh nặng…

– Sử dụng kháng sinh không đúng cách

Đây hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức dược lý của thầy thuốc, số lần dùng kháng sinh trong ngày và khoảng cách giữa các lần dùng liên quan đến khả năng hấp thu thuốc, thời gian thuốc có nồng độ đỉnh trong dịch cơ thể, thời gian thanh thải để quyết định. Ngoài ra, thời điểm dùng kháng sinh cũng rất quan trọng, uống thuốc lúc nào trong ngày, có liên quan đến bữa ăn hay không…

– Phối hợp kháng sinh chưa đúng

Phần lớn thầy thuốc kê đơn 2-3 loại kháng inh khi điều trị trên bệnh nhân, đó thật sự là phối hợp kháng sinh không cần thiết. Ngoài ra, các thầy thuốc còn phối hợp quá nhiều kháng sinh, phối hợp các kháng sinh có tương tác làm giảm tác dụng của nhau.

Bác sĩ Chu Hòa Sơn tại trường Cao đẳng Y Dược tại Hà Nội cho biết: Trong nguyên tắc sử dụng kháng sinh, chỉ phối hợp kháng sinh trong các nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng do chủng vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm trùng hỗn hợp, nhiễm trùng đa cơ quan để tăng khả năng điều trị, tăng khả năng diệt khuẩn, giảm độc tính của kháng sinh…

Sử dụng kháng sinh không hợp lý

Sử dụng kháng sinh không hợp lý

LÝ DO SỬ DỤNG KHÁNG SINH CHƯA HỢP LÝ

– Nhận thức của thầy thuốc và bệnh nhân chưa đúng, quá đề cao vai trò của kháng sinh, lạm dụng kháng sinh phổ rộng, kháng sinh thế hệ mới. Thầy thuốc tiếp nhận quảng cáo thái quá từ các nhà sản xuất thuốc kháng sinh và các công ty, cửa hàng dược phẩm. Ngoài ra, nhiều thầy thuốc cảm nhận rằng cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh để yên tâm về trách nhiệm, đặc biệt là các phẫu thuật viên và bác sĩ phòng khám. Bởi vì họ quan niệm sử dụng kháng sinh là biện pháp chống nhiễm khuẩn và thuốc ưu tiên.

– Việc đào tạo và cập nhật kiến thức về kháng sinh chưa đủ, thời lượng cho sinh viên y khoa học về các bệnh nhiễm trùng, nguyên tắc sử dụng kháng sinh ít. Cập nhật kiến thức về kháng sinh, kháng kháng sinh chưa rộng rãi, đặc biệt ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện. Chương trình và nội dung đào tạo liên tục và đào tạo lại về kháng sinh và sử dụng kháng sinh còn ít.

– Hệ thống xét nghiệm vi sinh ở các tuyến y tế quá yếu, hầu như xét nghiệm vi sinh không có ở tuyến huyện, còn rất yếu ở tuyến tỉnh. Phần lớn các phòng xét nghiệm vi sinh tuyến tỉnh không có khả năng phân lập các loại vi khuẩn gây bệnh và xác định tính nhạy cảm kháng sinh của chúng, vì vậy khó cung cấp trực tiếp chỉ định kháng sinh theo kháng sinh đồ. Ngoài ra sự phối hợp giữa nhân viên xét nghiệm và bác sĩ lâm sàng chưa chặt chẽ, hầu hết bác sĩ lâm sàng chưa chú trọng đến kết quả xét nghiệm vi sinh.

– Hệ thống quản lý sử dụng thuốc yếu kém hoặc không có, thiếu đội ngũ dược lâm sàng để giám sát, việc kiểm tra việc kê đơn thuốc kháng sinh còn ít và không thường xuyên. Tổ chức quản lý thị trường thuốc lỏng lẻo, bệnh nhân dễ dàng mua được các loại kháng sinh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ…

ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức cho các thầy thuốc bằng các chương trình đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, cập nhật sử dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, cần cải tiến cách quản lý ở cấp bệnh viện, giám sát sử dụng kháng sinh, tăng cường phổ cập thầy thuốc dược lý lâm sàng, xây dựng mạng lưới giám sát và tư vấn.

Cần tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phát triển và nâng cao vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Các cơ sở y tế còn phải nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo liên tục cho nhân viên y tế, củng cố và phát triển các phòng xét nghiệm vi sinh, đặc biệt là tại các trường đại học và các bệnh viện cấp tỉnh hay bệnh viện hạng I.

Việc quản lý việc mua, bán thuốc kháng sinh cần thật sự chặt chẽ, cần phải có đơn và lưu lại đơn có thuốc kháng sinh, không để xảy ra tình trạng dễ dàng mua và sử dụng thuốc kháng sinh ngoài bệnh viện.

Sự khám phá ra thuốc kháng sinh đã đưa lại nhiều lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe con người là giảm tỷ lê tử vong và các biến chứng của các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng đồng thời do lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh một các bừa bãi không nắm vững nguyên tắc, nên gây ra nhiều tác hại không nhỏ: tình trạng kháng thuốc càng ngày càng tăng, có khi gây ngộ độc, dị ứng, loạn khuẩn… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và những tổn thất không đáng có về kinh tế. Vì vậy cần phải sử dụng kháng sinh có hiệu quả để hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn và những tác hại của kháng sinh đối với cơ thể.

Nguồn: bvydhue.com.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới