Bệnh cong vẹo cột sống thường gặp ở độ tuổi đi học, những dấu hiệu ban đầu của bệnh thường khó nhận biết khiến cha mẹ không lưu tâm. Những kiến thức về dấu hiệu bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em dưới đây sẽ giúp phụ huynh chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe con em mình.
- Bệnh còi xương ở trẻ em – Nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả
- Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống lưng
- Bệnh gai cột sống có thể chữa trị dứt điểm được không?
Bệnh cong vẹo cột sống ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt với lứa tuổi học sinh. Bệnh lý xuất hiện do các yếu tố bẩm sinh, lao động quá sức hoặc tư thế ngồi lệch chuẩn trong thời gian dài, gây ra nhiều biến chứng như đau lưng, lệch vai…
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống.
Cong vẹo cột sống không gây ra nhiều ảnh hưởng với sức khỏe ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu để lâu sẽ gây hậu quả không lường, thậm chí khiến cơ thể trẻ bị biến dạng vĩnh viễn. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong vẹo cột sống được biểu hiện như sau:
Bằng mắt thường:
- Hai bên lưng và vai không đều nhau, lưng tròn vai thấp, ngả về phía trước.
- Hai cánh tay dài ngắn khác nhau. Chân đi khập khễnh.
- Hai bên vai và mào chậu bên cao bên thấp, xương bả vai nhô ra bên ngoài.
- Thăn lưng không cân đối bị lồi lên.
Bằng các chỉ số kiểm tra:
- Gai đốt sống không thẳng nhau.
- Khoảng cách từ gai đốt sống đến hai mỏm xương bả vai không bằng nhau
- Tam giác eo giữa thân và cánh tay bên rộng bên hẹp.
Khi phát hiện cơ thể trẻ có những dấu hiệu cong vẹo cột sống như trên, bạn cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế, bệnh viện kiểm tra bằng các hình ảnh y học để được lên kế hoạch điều trị kịp thời nhất.
Cách phòng ngừa cong vẹo cột sống cho trẻ
Chi phí điều trị bệnh lý này vô cùng tốn kém, đặc biệt với những trường hợp bệnh nặng phải áp dụng phương pháp nắn chỉnh xương. Vì vậy “phòng bệnh trước khi chữa bệnh” là điều cần thiết giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh xa bệnh tật. Bạn có thể phòng ngừa cong vẹo cột sống cho trẻ bằng các biện pháp sau:
- Khuyến khích trẻ tập thể dục giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao sức khỏe, rèn sức bền và sự liên kết giữa các cơ, không chỉ ngăn ngừa cong vẹo cột sống mà còn nhiều bệnh tật khác.
- Với độ tuổi học sinh, bàn ghế ngồi cần bố trí tại nơi có ánh sáng đầy đủ, chiều cao giữa bàn và ghế đạt tiêu chuẩn và được hướng dẫn tư thế ngồi học đúng. Một điểm quan trọng mà phụ huynh thường chủ quan trong quá trình chăm sóc sức khỏe trẻ là để trẻ em mang cặp quá nặng, đeo lệch về một phía. Nên dùng cặp có hai quai, trọng lượng sách không vượt quá 15% trọng lượng cơ thể.
- Ngoài ra chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Một chế độ ăn bổ sung protein, vitamin và chất khoáng sẽ giúp xương phát triển chắc khỏe, đẩy lùi nguy cơ cong vẹo cột sống ở mọi lứa tuổi.
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ giúp sớm phát hiện những biểu hiện bệnh để có cách điều trị kịp thời. Mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn