Dù đã bước sang tuổi 82, độ tuổi mà rất nhiều người sẽ nghỉ ngơi vui hưởng cuộc sống nhưng bao năm qua, tại phòng khám nhỏ số 7 – ngõ 424 – Thụy Khuê – Tây Hồ – Hà Nội, mọi người vẫn thấy hình ảnh vị Bác sĩ tóc bạc phơ Nguyễn Văn Chương lặng lẽ, miệt mài chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Tấm lòng nhân ái của ông thực sự lay động lòng người.
- Người thầy thuốc già và những bài học nghề Y quý báu
- Ngậm ngùi hưởng trọn cái Tết ngành Y
- Nghề Y – giật mình giấc mơ chưa trọn vẹn
Hơn 20 năm chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo
Nghỉ hưu đến nay đã hơn 20 năm, nhưng hàng ngày Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Chương vẫn cần mẫn, tận tụy khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Bác sỹ Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội vào năm 1959, sau đó ông công tác giảng dạy tại trường Y tế Quảng Ninh, làm chuyên gia cho Bộ Y tế Lào. Năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Y học tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Trở về nước, ông làm việc tại Ban Y tế, Bộ Năng Lượng cho đến năm 1992 thì nghỉ hưu.
Từ năm 1994, bác sĩ Nguyễn Văn Chương với tâm niệm mong muốn giúp đỡ người nghèo, ông tiếp tục mở phòng khám ngay tại nhà mình, chữa bệnh với mức giá thấp nhất có thể. Trong suốt hơn 20 năm qua, ông đã dùng toàn bộ lương hưu của mình để duy trì phòng khám tại gia hoạt động. Không quản ngày mưa, ngày nắng hay nghỉ lễ, hễ có bệnh nhân đến là ông đều nhiệt tình thăm khám và điều trị. Phòng khám của ông được mọi người gọi bằng tên thân mật là “phòng khám nông dân”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương chuyên điều trị cho bệnh nhân bị các khối u lành, sỏi tiết niệu, gan mật, viêm loét dạ dày, huyết áp cao, mỡ máu… Đặc biệt, điều trị thành công các chứng liệt mặt, liệt tay chân, những di chứng sau tai biến, chấn thương, mổ bằng vật lý trị liệu.
Cả nhà đều theo nghiệp Y Khoa
Tại phòng khám nhỏ ấy, người bác sĩ già vẫn chưa có một giờ nghỉ ngơi mà vẫn liên tục hoạt động trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân ông là một bác sĩ, một y tá, và cũng là một người bạn luôn ân cần nhẹ nhàng.
Có những người quê ở rất xa như Hà Tĩnh, Lạng Sơn cũng tìm đến với phòng khám của ông. Bà Nguyễn Thị Hồng, Nghi Xuân – Hà Tĩnh sau khi điều trị được một tuần niềm nở cho biết : “Ở quê, từ việc uống các bài thuốc gia truyền đến việc lên viện Tỉnh cũng không thấy có tác dụng gì. Tình cờ biết đến phòng khám của bác Chương, tôi bảo con tôi đưa ra đây. Mới có một tuần mà các khớp tay chân không còn tê bì như trước nữa. Bác còn hỏi han nhiệt tình. Chi phí điều trị bác chỉ lấy có một phần năm ở quê. Người nông dân như tôi ra đây điều trị cũng đỡ phần nào”.
Cùng với vợ và hai con gái, cả nhà Tiến sỹ Y Khoa Nguyễn Văn Chương đều theo Nghiệp Y Khoa. Ông tâm sự: “Đến khi tôi không còn sống nữa, các con tôi sẽ tiếp tục duy trì phòng khám này, vẫn chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo”.
Ông Nguyễn Văn Chương còn là Hội trưởng Hội chữ thập đỏ làng Đồng Xã – Phường Bưởi – Quận Tây Hồ. Những năm qua, mỗi khi có chương trình từ thiện, giúp đỡ người nghèo của Hội đề ra ông luôn là người tiên phong và sẵn sàng hỗ trợ mọi thiết bị khám chữa bệnh cho người nghèo. Và dù sống ở Hà Nội đã lâu năm nhưng mỗi lần nói đến quê hương Thái Bình của mình thì ông luôn dành một lòng ưu ái sâu sắc. Ông Nguyễn Văn Chương đã ủng hộ nhiều máy móc thiết bị phục vụ bệnh nhân cho các trạm y tế xã tỉnh Thái Bình với mong muốn hệ thống trạm xá khu vực này sẽ có những bước cải tiến, cứu giúp được nhiều bệnh nhân nơi đây.
“Còn sống còn chữa bệnh giúp người dân nghèo”
Gắn bó sâu sắc với người lao động nghèo khổ, dường như ông luôn đồng cảm với họ và dốc hết sức mình để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, mang lại cho họ niềm vui trong cuộc sống. Suốt mấy chục năm qua, Bác sĩ Nguyễn Văn Chương sống và tận tâm như thế. Ông vẫn luôn luôn tâm niệm về Nghề Y: “Nghề thuốc là nghề cứu người, là nghề nhân đạo. Với bác thì nhờ hoạt động này mà đầu óc minh mẫn, thể lực tốt, chưa ốm đau bệnh tật gì cả vì suốt ngày hoạt động với bệnh nhân thế này bác cảm thấy khỏe, ngày nào còn sống ngày đó bác còn chữa bệnh giúp người dân nghèo”
Những tấm bằng khen của Trung ương Hội Đông y Thành phố Hà Nội và Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật Hà Nội về những đóng góp của ông Nguyễn Văn Chương, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc của những người bệnh nghèo đối với ông có lẽ là minh chứng sinh động nhất cho tấm lòng nhân ái của vị bác sĩ này.
Vũ Giang – Ytevietnam.edu.vn