Ngoài Virus Zika, Sài Gòn đang phải đối mặt với dịch bệnh quai bị

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Thời tiết trở lạnh những ngày cuối năm là thời điểm các bệnh truyền nhiễm tăng nhanh. Trong khi dịch bệnh do Virus Zika còn chưa được kiểm soát, TP.HCM tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh mới liên quan đến bệnh quai bị.

Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ
Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ

16 học sinh mắc bệnh quai bị trong một trường học

Ổ dịch quai bị đầu tiên tại TP.HCM được phát hiện tại Trường Tiểu học Tân Xuân, huyện Hóc Môn khiến 16 học sinh mắc bệnh.

Đại diện của Ban giám hiệu nhà trường cho biết, từ ngày 28/11 đến nay đã có 16 học sinh phải nghỉ học vì bệnh quai bị.

Trong đó ngày 28/11, có 9 học sinh đồng loạt nghỉ học vì mắc quai bị. Ngày 29/11, ghi nhận thêm 3 học sinh nghỉ  học vì có các dấu hiệu của bệnh. Đến ngày 1/12, nhà trường tiếp tục có thêm 4 trường hợp học sinh mắc bệnh quai bị. Tổng số học sinh trong trường là 1654 học sinh, trong đó có 1295 học sinh ở bán trú, khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh trở thành dịch trở nên báo động hơn lúc nào hết.

Trước những nguy cơ lây lan bệnh, nhà trường và Trung tâm y tế địa phương đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn, hướng dẫn học sinh và phụ huynh cách phòng ngừa lây nhiễm, tuyên truyền nhận thức về bệnh để tránh sự hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và học sinh.

Theo cán bộ y tế Trường Tiểu học Tân Xuân, nhà trường có tiến hành tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2015, tuy nhiên vắc xin ngừa quai bị lại thuộc vắc xin dịch vụ, do gia đình chủ động đăng ký tiêm cho trẻ. Do đó chỉ có một phần trong số học sinh được tiêm phòng bệnh quai bị trong tổng số 1654 học sinh trong trường.

Học sinh là độ tuổi dễ bị bệnh quai bị nhất
Học sinh là độ tuổi dễ bị bệnh quai bị nhất

Dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị như nào?

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng paramyxovirus gây nên, bệnh có khả năng lây truyền mạnh qua đường hô hấp. Bệnh quai bị thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 – tháng 6 năm sau, đỉnh điểm là tháng 12 – tháng 3.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị bao gồm:

  • Vùng mang tai bị sưng đau do tuyến nước bọt bị viêm.
  • Sốt, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, thường xuyên bị chảy nước bọt.
  • Trẻ bị nôn và buồn nôn, đau các cơ.

Thông thường, quai bị là bệnh lành tính có thể tự hết sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh quai bị có thể để lại biến chứng nguy hiểm như các bệnh lý: viêm tụy cấp, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tinh hoàn ở nam giới hay nguy cơ sảy thai, sinh non ở phụ nữ.

Các phòng bệnh quai bị hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa quai bị. Theo các bác sĩ, việc chích ngừa quai bị có thể ngăn chặn bệnh trong một thời gian dài hoặc bảo vệ cơ thể mãi mãi trước tác nhân gây bệnh.

Sưng mang tai, sốt...là những dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ
Sưng mang tai, sốt…là những dấu hiệu bệnh quai bị ở trẻ

Quan niệm sai lầm về điều trị quai bị nên tránh

Bệnh quai bị thông thường sẽ không dẫn đến vô sinh. Trường hợp trẻ có nguy cơ bị vô sinh do quai bị chỉ xảy ra khi bệnh quai bị biến chứng thành viêm buồng trứng hoặc viêm tinh hoàn. Trong trường hợp có biến chứng, thì tỷ lệ vô sinh do quai bị cũng ở mức rất nhỏ.

Khi điều trị quai bị, nhiều phụ huynh điều trị bằng cách dùng mực hay nhọ nồi vẽ lên vùng da bị sưng. Đây là phương pháp sai lầm cần tránh vì có thể gây nhiễm trùng cho trẻ.

Đắp vôi, lá cây, dán cao không những không có tác dụng mà còn có thể gây nóng, bỏng và có thể nguy cơ bị nhiễm trùng khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Bệnh quai bị có thể chữa trị tại nhà và thông thường sẽ tự khỏi sau 7- 10 ngày. Khi có các dấu hiệu bệnh, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học, đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, ngăn ngừa việc lây nhiễm cho những trẻ xung quanh.

Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới