Bệnh nhân tâm thần thường không làm chủ được hành vi nên việc dùng thuốc không đơn giản như các loại bệnh khác, nên cần có hướng dẫn cụ thể trong việc cho dùng thuốc.
- Nghiên cứu về tự sát theo con mắt của chuyên gia tâm thần học
- Nguyên nhân gây ra các bệnh tâm thần thường gặp
- Tìm hiểu về các loại bệnh tâm thần thường gặp
Nguyên tắc dùng thuốc cho bệnh nhân tâm thần
Nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân tâm thần
Dưới đây Bác sĩ Minh Huệ, giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội chính quy – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ , giải thích cho người nhà bệnh nhân biết phần lớn các thuốc điều trị bệnh tâm thần là thuốc độc, nên phải quản lý chặt chẽ, không để cho bệnh nhân tự động lấy thuốc uống để đề phòng trường hợp bệnh nhân uống thuốc quá liều hoặc bệnh nhân tự sát.
- Căn dặn người nhà bệnh nhân cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn mỗi ngày, thông thường uống sau khi ăn và buổi tối trước khi đi ngủ, uống đủ liều và uống đúng giờ quy định.
- Nói rõ cho người nhà bệnh nhân biết các biến chứng và các tác dụng phụ của thuốc an thần kinh như: táo bón, khô miệng, khó nuốt, chảy dãi, chân tay run….để người nhà yên tâm khi thấy bệnh nhân có biểu hiện khác thường như mẩn ngứa, dị ứng, đi loạng choạng…..thì báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
- Dặn dò bệnh nhân và người nhà phải đưa bệnh nhân đến khám bệnh đầy đủ, đều đặn theo định kỳ để bác sĩ điều chỉnh lại thuốc và có hướng dẫn điều trị thích hợp.
- Thực hiện đầy đủ và chính xác các y lệnh của bác sĩ.
- Dùng thuốc đúng: đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đủ liều, đúng đường dùng, đúng thời gian.
- Trước khi cho người bệnh dùng thuốc phải thực hiện:
- 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.
- Tuân thủ tuyệt đối các quy chế sử dụng thuốc độc.
- Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn tuyệt đối khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc.
Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cũng lưu ý, nếu phát hiện điều gì bất thường trước hoặc sau khi sử dụng thuốc cho người bệnh phải báo cáo ngay cho bác sĩ biết để điều chỉnh và xử trí kịp thời.
Tiêm thuốc cho bệnh nhân tâm thần
Tiêm thuốc thường được thực hiện trong giai đoạn cấp tính lúc bệnh nhân mới nhập viện, kích động chống đối không chịu nằm viện, không chịu uống thuốc.
Theo các bác sĩ tư vấn, trước khi tiêm cần phải giải thích, động viên để bệnh nhân yên tâm, trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác, chống đối kích động thì phải chờ đông người giữ bệnh nhân để tiêm (thường ít nhất có 3 người nam để giữ người bệnh).
Khi tiêm phải đặt bệnh nhân ở tư thế thuận lợi, thoải mái, dễ tiêm. Đề phòng tình trạng bệnh nhân kích động, giãy giụa làm gãy kim hoặc vỡ bơm tiêm.
Vị trí tiêm: thường tiêm ở mông hoặc mặt trước ngoài đùi, là nơi có nhiều cơ nên thuốc dễ tan.
Khi tiêm xong phải để bệnh nhân nằm tại giường, đề phòng tình trạng tụt huyết áp khi thay đổi tư thế. Tiêm xong phải theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp và toàn trạng của bệnh nhân, phát hiện kịp thời các biến chứng để báo cáo cho bác sĩ xử trí.
Thuốc tiêm cho bệnh nhân tâm thần thường là số lượng nhiều, nếu thuốc lâu tan sờ vào chỗ tiêm thấy cứng thì phải chườm nóng vào chỗ tiêm cho bệnh nhân, lần tiêm tiếp theo nên thay đổi vị trí tiêm cho phù hợp.
Phải đảm bảo nguyên tắc vô trùng trong khi tiêm để tránh abces vùng tiêm. Thông thường bơm tiêm và kim tiêm chỉ dùng cho một lần tiêm.
Nếu phát hiện bất thường sau khi tiêm thuốc phải báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời
Cho bệnh nhân tâm thần uống thuốc
Phần lớn bệnh nhân tâm thần ngại uống thuốc, thường giấu thuốc một cách rất tinh vi như ở kẽ ngón tay, dưới lưỡi, khe lợi, ống tay áo, túi áo… cho nên phải có biện pháp kiểm tra bệnh nhân có uống thuốc thật sự không, đảm bảo nguyên tắc thuốc phải đủ liều và đến tận dạ dày của bệnh nhân.
Thời gian quy định cho bệnh nhân uống thuốc thường là sau bữa ăn sáng, trưa và tối (lúc 19 giờ 30 phút). Thông thường bệnh nhân uống thuốc ngày 2 lần (buổi sáng và buổi tối).
Khi cho bệnh nhân uống thuốc phải cho từng bệnh nhân uống một, không phát thuốc đồng loạt cho bệnh nhân uống cùng một lúc sẽ không kiểm tra được. Bệnh nhân uống thuốc xong phải kiểm tra miệng bệnh nhân (dưới lưỡi, khe lợi…) nếu thấy không còn thuốc thì mới cho bệnh nhân khác uống tiếp. Nếu bệnh nhân không tự uống được, phải hòa thuốc vào nước cho bệnh nhân uống.
Khi bệnh nhân uống thuốc xong, dặn bệnh nhân nằm nghỉ tại giường, không nên đi lại nhiều và theo dõi các diễn biến bất thường của bệnh nhân để báo cáo bác sĩ.
Hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú
- Sau khi ra viện, bệnh nhân cần phải được điều trị ngoại trú tại nhà, thông thường liều thấp hơn ở bệnh viện.
- Khi bệnh nhân ra viện, phải dặn người nhà quản lý thuốc chặt chẽ và hàng ngày cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
- Hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết các tác dụng phụ của thuốc hoặc các biến chứng có thể xảy ra để có biện pháp theo dõi và báo cáo bác sĩ xử trí kịp thời.
- Hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết cách phát hiện và kiểm tra được bệnh nhân giấu thuốc hoặc vứt bỏ để có biện pháp đề phòng.
Ngô Huệ – Ytevietnam.edu.vn.