Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học đang cận kề cũng là lúc thí sinh phải đối mặt với các áp lực căng thẳng từ nhiều phía. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thi. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp thí sinh và người nhà có trạng thái thể lực và tinh thần tốt nhất để tự tin khi đi thi.
- Khi sử dụng máy lạnh trong những ngày nắng nóng thì cần lưu ý những điều gì?
- Hướng dẫn cách xử trí sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng
- Các biện pháp ngăn ngừa chứng táo bón do đái tháo đường gây ra
Chế độ ăn khoa học
Dinh dưỡng hợp lý góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể và khi cơ thể đầy đủ năng lượng mới có thể học tập và làm việc được. Sĩ tử cần một chế độ ăn đầy đủ chất, nhất là những thức ăn có lợi cho não bộ. Nhưng không nên ăn nhồi nhét, thức ăn nên cân bằng, không để dồn bữa quá nhiều thức ăn bổ dưỡng cùng lúc sẽ khiến cơ thể khó tiêu. Không bỏ bữa ăn sáng. Đây là bữa ăn quan trọng giúp con bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày.
Cố gắng đưa nhiều thực phẩm như sữa, các chế phẩm từ sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng. Bên cạnh đó, thực hiện thói quen ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, không để đói khi đó đường huyết sẽ xuống thấp. Khi lượng đường trong máu hạ thấp, tinh thần, thể chất, năng lượng, cảm xúc xuống dốc nhanh chóng và căng thẳng có cơ hội gia tăng.
Cần tăng cường thực phẩm tốt cho sĩ tử, giúp giải tỏa căng thẳng là cam, cải bó xôi, sữa, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, hải sản…), hạnh nhân, quả óc chó, rau bina, cá hồi, các loại rau màu xanh đậm… Nên cho con uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể. Nước hoa quả như: cam, chanh, dưa hấu, bưởi… rất bổ dưỡng và có tác dụng thanh nhiệt cơ thể. Hạn chế dùng chất kích thích như caffeine (có trong cà phê và trà).
Cha mẹ cần lưu ý, thức ăn chế biến cho con trong những ngày sát ngày thi cần được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần tuyệt đối ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thức ăn ngoài đường phố trong thời tiết nóng nực. Càng sát ngày thi càng không nên cho sĩ tử ăn nhiều thức ăn lạ, các món gỏi sống hay đồ biển, bởi những thức ăn này có nguy cơ dị ứng và ngộ độc cao.
Sĩ tử cần rèn luyện sức khỏe, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ sinh hoạt điều độ
Trước và trong các kỳ thi, thí sinh nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Học, ăn, ngủ theo giờ. Không nên học khuya quá 12 giờ đêm, ngủ đảm bảo 8 tiếng/ngày để cho bộ não khỏe mạnh và hoạt động tốt. Trước và trong ngày thi nên đi ngủ sớm để giữ tinh thần sảng khoái. Sau khi học bài xong không nên đi ngủ ngay mà cần thư giãn, uống chút sữa nóng trước khi đi ngủ chừng 30 phút để có giấc ngủ ngon.
Các em cũng không nên xem các chương trình khiến tinh thần phấn khích quá trước khi đi ngủ sẽ khó ngủ ngon được. Thông thường càng gần ngày thi, sĩ tử càng lo lắng, sự lo lắng này sẽ khiến các em ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, lời khuyên dành cho các em là nên thư thái tinh thần trước và trong khi đi thi, gạt bỏ mọi căng thẳng, lo lắng để có giấc ngủ thật sâu, đem lại trạng thái tinh thần sảng khoái nhất.
Rèn luyện sức khỏe, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Kỳ thi kéo dài trong 4 ngày là chặng cuối trong quá trình học và ôn căng thẳng, vì vậy sĩ tử rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Việc ôn bài kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý trước và trong kỳ thi sẽ giúp các em xua tan mệt mỏi và chuẩn bị năng lượng cho kỳ thi tốt nhất. Tránh học liên tục, cần nghỉ ngơi sau một giờ học, giúp tăng khả năng tập trung, thư giãn đầu óc. Hãy dành khoảng thời gian cho việc nghỉ ngơi để cơ thể đáp ứng được áp lực trong kỳ thi. Sau khi học xong 90 phút, bạn có thể nghỉ ngơi khoảng 10 phút để bộ não có thể tiếp nhận thêm thông tin.
Ngoài kế hoạch học tập, bạn cũng nên lập cho mình các kế hoạch thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Biện pháp lâu dài trong mùa thi là nên thường xuyên vận động, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý tham gia thể dục thể thao, giải trí. Những hoạt động thể thao như chạy bộ, cầu lông, bóng rổ… đều giúp bộ não linh hoạt và nhạy bén hơn.
Đặc biệt, hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, dance… hoặc xem các phim hài, nghe nhạc, đọc truyện cười, vẽ tranh… sẽ đem lại trạng thái sảng khoái cho sĩ tử trong những ngày học và ôn thi căng thẳng. Bên cạnh đó, bố mẹ nên là một người bạn, cùng con giải tỏa căng thẳng áp lực thi bằng những bữa cơm ngon, cùng nhau xuống bếp thư giãn, cùng xuống phố, dạo chơi hay xem phim, tham gia một hoạt động nào đó mà con yêu thích… Các em sẽ cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng, phấn chấn để bắt đầu những ngày thi bận rộn.
Chuẩn bị tâm lý trước và trong khi thi
Trong thời gian sắp thi và những ngày thi cử, các con thường dễ bị thương tổn tâm lý nên rất cần được sự quan tâm, đồng hành, gần gũi của cha mẹ để vơi đi những lo lắng. Sự lo âu thái quá có thể trở thành bệnh lý khi khả năng tập trung giảm đi, khiến kiến thức trở nên lộn xộn, hiệu quả thi sẽ kém. Vì vậy, cha mẹ và các em hãy chuẩn bị trạng thái tinh thần thật tốt khi đi thi. Giữ thái độ lạc quan khi ôn tập và khi thi, các em hãy luôn tự nhủ rằng mình có thể làm tốt. Những đêm trước ngày thi, một giấc ngủ ngon sẽ giúp các em tỉnh táo và sẵn sàng đón nhận thử thách của kỳ thi.
Theo bác sĩ Chu Hòa Sơn hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhận định, cha mẹ cần cho con thư giãn, dành nhiều thời gian hơn bên con để động viên và chia sẻ. Con sẽ cảm thấy vui hơn khi cảm nhận được sự quan tâm ân cần, sẻ chia hết mực. Từ đó, con sẽ không còn cảm thấy áp lực học hành và thi cử quá nặng nề, căng thẳng và quá ép mình vào khuôn khổ vì sợ thất bại. Người thân cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả thi cho các em. Vì quãng thời gian trước, trong và sau khi thi xong rất nặng nề. Chỉ một chút sơ sểnh khi thi sẽ khiến tâm lý các em bị ảnh hưởng và tổn thương. Vì vậy, trạng thái tâm lý thoải mái nhất sẽ giúp các em vượt qua căng thẳng khi thi và mang lại hiệu quả cao nhất.
Nguồn: suckhoedoisong.vn, Cao đẳng Dược Tp HCM