Những giọt nước mắt trên màu áo Blouse

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (5 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Tôi –  một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã yếu ớt, quanh năm sống bên cạnh những viên thuốc điều trị đã khiến cơ thể tôi còi cọc và nhỏ bé hơn so với lũ bạn cùng trang lứa. Bệnh tật đã khiến một đứa trẻ như tôi trở nên khó tính, lì lợm và sẵn sàng đập phá bất cứ thứ gì bên cạnh một khi không vừa ý.

Nỗi lòng của người mẹ không thể diễn tả bằng lời
Nỗi lòng của người mẹ không thể diễn tả bằng lời

Bữa đó tôi còn nhớ rất rõ, cái bệnh canxi huyết của tôi lại tái phát khiến toàn thân bị co quắp đột ngột, phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm theo nôn ói, huyết áp tụt. Tấm thân gầy gò của ba tôi còng lưng xuống để cõng tôi qua những bậc thang của bệnh viện để làm những xét nghiệm y tế cần thiết. Tôi nhập viện ngay trong đêm, một đêm lạnh buốt của mùa đông.

Lại một lần nữa tôi thấy mình như một gánh nặng cho ba mẹ, đủ thứ bệnh do biến chứng thuốc gây nên hành hạ trên cơ thể, đôi lúc chỉ muốn biến mất khỏi trên thế gian này đi như để giải thoát khỏi một cuộc sống đầy bệnh tật. Sự bực tức, khó chịu bộc lộ rõ ngay trong thái độ và hành động của một đứa trẻ non nớt trong tôi. Đêm đó là ca trực của mẹ tôi tại bệnh viện, mẹ vừa chăm sóc bệnh nhân lại vừa phải chạy qua xem tôi như thế nào.

Bệnh tật đã khiến tôi trở nên khó tính hơn bao giờ hết
Bệnh tật đã khiến tôi trở nên khó tính hơn bao giờ hết

Còn bố do đã mệt mỏi quá nhiều nên cũng không còn sức để thức thêm một đêm nào nữa. Vậy là tôi lại cảm thấy bị bỏ rơi khi xung quanh chẳng còn ai, rõ ràng là mẹ ở đây tại sao mẹ lại không bên tôi? Mẹ lo cho người ngoài hơn cả lo cho tôi ư? Nằm một mình trong phòng, tủi thân dâng lên đỉnh điểm khi cái bụng reo ầm ầm, cảm thấy đói do lúc tối không ăn được gì mà tôi không thấy mẹ đâu, không một ai xung quanh.

Có tiếng mở cửa, đó là mẹ. Mẹ bước vào trên tay cầm theo tô cháo còn nóng cùng mấy viên thuốc chắc để cho tôi uống đây. Không thèm quay mặt nhìn mẹ, cũng không thèm để ý mẹ đang làm gì, tôi quay mặt vào tường coi như không hề hay biết. Mẹ nhẹ nhàng nâng tôi dậy và đưa cho tôi bát cháo để ăn. Tức giận vì bị bỏ rơi, mẹ lo cho người khác hơn lo cho con mình, tôi thẳng tay hất luôn bát cháo trên tay mẹ. Một tiếng xoảng khiến mọi người phòng bên cạnh đều phải chạy sang. Mẹ lặng lẽ quay mặt đi lau những giọt nước mắt. Có lẽ mẹ đã hiểu – Tôi nhủ thầm một cách tự đắc.

Trở thành một bác sĩ tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất cả của mẹ
Trở thành một bác sĩ tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất cả của mẹ

Phải ở trong nỗi đau mới cảm nhận được nỗi đau

Đến bây giờ, khi đã trở thành một bác sĩ đa khoa tại một bệnh viện, sự hối hận trong đêm hôm đó vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng tôi. Cũng vì đêm đó có ca cấp cứu đột xuất trong tình trạng nguy kịch mà mẹ đã không thể bên tôi. Giữa mạng sống của bệnh nhân và con cái, mẹ buộc phải lựa chọn. Chỉ khi bước vào nghề tôi mới thật sự cảm nhận được nỗi đau, những giọt nước mắt mà bao năm qua mẹ phải chịu đựng khi đêm giao thừa không có mặt bên gia đình,  không có thời gian bên cạnh con cái hay phải tận mắt chứng kiến những cái chết thương tâm từ những đứa trẻ sơ sinh, những cụ già hay thanh niên trai tráng.

Người ta thường hay nói, muốn cảm nhận nỗi đau của người khác thì chính bản thân mình phải trải qua chính nỗi đau ấy. Nỗi đau của mẹ giờ đây tôi đã cảm nhận được, khi đã khoác trên mình màu áo blouse thì sứ mệnh của người phụ nữ không chỉ dừng lại ở gia đình mà là trách nhiệm cho toàn xã hội. Mẹ cũng đã rất đau khổ khi phải đứng giữa lựa chọn gia đình và công việc. Và lại một cái Tết nữa sắp về, gia đình cũng sẽ thiếu vắng hình bóng tôi như ngày xưa tôi thiếu vắng hình bóng của mẹ.

Nhìn những bệnh nhân đau đớn trong bệnh tật tôi không kìm được nước mắt
Nhìn những bệnh nhân đau đớn trong bệnh tật tôi không kìm được nước mắt

Nước mắt tuôn rơi, nhưng nhìn những bệnh nhân đang phải điều trị, những tấm thân gầy gò của cụ già trong mùa đông giá lạnh hay những em bé sơ sinh đến hơi thở cũng phải nhờ máy thì tôi như thấy có động lực, cuộc sống của mình và gia đình vẫn hạnh phúc hơn so với nhiều hoàn cảnh.

Tôi được sinh ra, sứ mệnh của tôi là khoác trên mình màu áo blouse thì đồng nghĩa với việc tôi cần phải có trách nhiệm với sức khỏe của mọi người. Ai cũng đều có những hạnh phúc riêng, còn tôi hạnh phúc chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân mỗi ngày có thể ăn thêm một thìa cháo, mỉm cười hay nói chuyện được.

Mấy ai hiểu được những hy sinh thầm lặng mà người thầy thuốc phải trải qua để mang đến một cuộc sống tốt đẹp cho đời. Bệnh viện, nơi phải chứng kiến biết bao giây phút sinh tử biệt ly, nhưng người bác sĩ vẫn vững tâm động viên người nhà bệnh nhân để rồi lặng lẽ quay đi lau khô những giọt nước mắt. Được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh hàng ngày đó chính là niềm hạnh phúc và ước ao của những người khoác trên mình màu áo blouse.

Nhân ngày 27/2 – Ngày thầy thuốc Việt Nam, xin gửi tới Mẹ với một niềm kính yêu vô bờ bến vì đã sinh ra con và nuôi lớn con trưởng thành đến ngày hôm nay. Gửi tới toàn thể những người thầy thuốc một lời tri ân sâu sắc nhất, luôn vững tâm và tài để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Phương Thảo-Ytevietnam.edu.vn

 

 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới