Sáng 26/12, các bác sĩ của bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhân bị vỡ lách, đa chấn thương do tai nạn giao thông, cơ hội sống lúc vào viện rất nhỏ nhoi bằng “quy trình tình người”.
- Phạt từ 10 – 15 triệu đồng nếu ép người lao động đi làm ngày Tết Dương lịch
- Cảnh báo những tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe
- Xuất hiện vi khuẩn mới gây viêm mô tế bào chưa có trong y văn thế giới
Khoảng 11h30 trưa ngày 25-12, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.D.A (nữ, sinh năm 2005, thường trú tại Hà Đông – Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, vật vã kích thích, mạch nhanh nhỏ không bắt được, huyết áp không đo được, nhịp thở nhanh nông, hạ sườn trái có vết bầm tím do va đập, bụng trướng căng, cảm ứng phúc mạc,… Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh nhân do mất máu, vỡ tạng trên, đa chấn thương nên việc chuyển viện là không an toàn, thậm chí là tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.
Theo quy trình, bệnh nhân sẽ phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ như khai báo thông tin, có các kết quả xét nghiệm máu, phim chiếu chụp… và phiếu chỉ định mổ của bác sĩ được duyệt thì mới được đưa vào phòng mổ. Tuy nhiên đây là người bệnh được một người đi đường đưa vào viện cấp cứu, không có người thân cùng với tình huống vô cùng cấp bách, nếu chậm chễ mổ cấp cứu thì tính mạng bệnh nhân khó giữ nổi. Do đó sau khi hội chẩn, kíp trực lập tức báo cáo lãnh đạo bệnh viện qua điện thoại và quyết định chuyển ngay người bệnh vào phòng mổ cấp cứu. Các thủ tục, quy trình về hoàn thiện hồ sơ được thực hiện một cách song song.
Ngay khi được sự cho phép của ban lãnh đạo bệnh viện, toàn bộ y bác sĩ giỏi của các khoa được huy động ngay lập tức để tham gia vào ca mổ này. Với tinh thần khẩn trương, tận dụng từng phút giây, “lúc này, chúng tôi không còn thời gian để nghĩ đến chuyện liệu gia đình người bệnh có chấp nhận mổ, hay áp lực từ dư luận xã hội ra sao nếu lỡ bệnh nhân tử vong” – bác sĩ Lam chia sẻ.
Các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng người bệnh có rất nhiều máu, lách đứt rời hoàn toàn nằm trong ổ bụng, chấn thương thận 2 bên độ I… Kíp phẫu thuật đã rút khoảng 1 lít máu khỏi ổ bụng người bệnh, sau đó cầm máu cuống lách.
Ca mổ đã thành công sau gần 2 giờ phẫu thuật. Hiện người bệnh đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Chia sẻ với báo chí về ca bệnh đặc biệt này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TS. Lê Hưng cho biết, ông rất lo lắng khi được báo cáo lại vụ việc này. Tuy nhiên ông cũng nhất trí bỏ qua những quy trình thông thường để khẩn trương cứu sống người bệnh. Khi ca mổ thành công, người bệnh không chỉ được cứu sống mà các y bác sĩ của bệnh viện cũng thở phào nhẹ nhõm.
Là trường hợp đặc biệt khi người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng không có người thân đi cùng chắc hẳn sẽ khiến nhiều y bác sĩ chùn bước khi những lùm xùm gần đây về việc bác sĩ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết của người bệnh bất kể vô ý hay do khách quan, tuy nhiên “tôi là người quản lý cũng luôn yêu cầu tất cả y bác sĩ cấp dưới phải thực hiện đúng quy trình, nhưng rõ ràng có một quy trình mà không ai có thể sắp xếp được đó là “quy trình của tình người”.
Ca mổ vừa rồi ê kíp cấp cứu bỏ qua một số thủ tục của Bệnh viện, của Ngành Y nhưng ê kíp cấp cứu đã làm đúng 1 quy trình đó là “Quy trình đạo đức của người thầy thuốc để cứu sống được một con người” – TS. Hưng chia sẻ.
Nguồn: ytevietnam.edu.vn