Tôi tự hào vì có một người bố làm bác sĩ

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 đánh giá, trung bình: 3,50 trong tổng số 5)
Loading...

Từ khi còn nhỏ tôi đã được mọi người trong làng nhìn với một ánh mắt ngưỡng mộ và bạn bè thì luôn yêu quý tôi vì biết bố tôi là người đã chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh ở làng.

Tôi tự hào vì có bố làm bác sĩ

Bố tôi chỉ là một bác sĩ bình thường

Vì bố là bác sĩ nên ngày tôi còn bé, hầu như lúc nào nhà cũng có khách. Ít thì hai ba người, đông có khi phải chục người, là họ hàng, người quen ở khắp nơi, bắt xe khách về Hà Nội khám bệnh. Có người khám xong rồi về, có người nằm viện điều trị, rồi dưỡng bệnh, cả tháng. Nhà tôi lúc nào cũng đông người, mẹ thu xếp chỗ ngủ chu đáo tro những bệnh nhân trong ngôi nhà hơn 40 m2. Có khi mấy chị em phải nhường cho các bệnh nhân vừa mổ nằm giường của mình. Dưỡng bệnh ở nhà tôi một thời gian, lúc khỏi bệnh họ thường giúi vào tay mẹ tôi một khoản tiền nhưng mẹ tôi chỉ cảm ơn và chỉ lấy đúng số tiền thuốc và tiền điều trị còn tiền trả ơn thì mẹ tôi không lấy. Có lần có người vì muốn cảm tạ mà để phong bì vào túi bánh, hôm sau bố mẹ tôi phát hiện ra và bần thần cả ngày như có tội.

Vì bố là bác sĩ nên bệnh viện với tôi là sân chơi tuổi thơ. Lũ trẻ con nhà bác sĩ thuộc hết mọi ngõ ngách trong bệnh viện, quá quen với các tên bệnh, mùi thuốc sát, các câu chuyện liên quan tới bệnh tật trong bữa cơm. Tôi rất thích đến viện vào đầu giờ sáng, nhòm từ cửa sổ vào phòng họp để quan sát các bác sĩ, y tá, hội chẩn. Rồi ào một cái, giữa không gian hàng chục bệnh nhân đang đứng ngồi đông nghẹt để chờ khám, các bác sĩ đổ về các phòng khám vào việc. Mỗi ngày làm việc đều hối hả như thế. Hình ảnh đó với tôi ấn tượng và đẹp đẽ đến mức bây giờ, nghe thì kỳ dị nhưng tôi vẫn thích không gian bệnh viện và cảm thấy làm việc ở môi trường như bệnh viện mới thực sự là ý nghĩa.

Bố tôi luôn cố gắng vì sự nghiệp chữa bệnh cứu người

Những người làm bác sĩ rất cần sự thông cảm

Mọi người cần cảm thông cho những người làm nghề Y. Vì bố là bác sĩ nên tôi phần nào thấu hiểu được những áp lực quá tải của ngành y tế. Có lần, một bệnh nhân nổi cáu vì chờ quá lâu, bệnh nhân quát ầm ĩ: Tôi là thượng tá mà các anh bắt tôi phải chầu chực, nóng nực khó chịu thế này sao chịu được?. Trước hàng chục con mắt đang đổ dồn vào, bố tôi bình tĩnh: Tôi cũng là thượng tá như anh và tôi đang phục vụ anh. Anh nóng nực chỉ trong mấy chục phút chờ khám, còn tôi nóng nực suốt từ sáng, không lẽ tôi nổi cáu với anh? Ai cũng giống anh thì sao bệnh viện làm việc được. Một lúc sau, ông bệnh nhân đã dịu, trở lại tìm bố để xin lỗi. Bố luôn giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh

Vì bố là bác sĩ giỏi, nên sau khi nghỉ hưu, rất nhiều phòng khám săn đón. Bố tôi về làm tại một phòng khám tư lớn của một người bạn. Sau mấy ngày làm, người bạn vào gặp bố tôi, rủ rỉ vài câu: Ông viết lại cho tôi kết quả chẩn đoán. Ông cứ viết bình thường thế này thì bệnh nhân còn khám xét gì nữa. Bố giải thích với tôi: Con người thì các chức năng cơ thể thoái hóa theo thời gian, đó là bình thường, không phải là bệnh. Người ta không có bệnh, bác sĩ lại viết không rõ ràng để người ta nghĩ mình có bệnh, để mất thêm tiền khám. Vậy là thất đức, con ạ. Sau đó bố nghỉ, chỉ làm ở một phòng khám bệnh chuyên khoa nhỏ gần tại nhà, một ngày chẩn bệnh vài ba ca, còn lại dành thời gian để trồng cây, đọc báo, chơi đàn.

Trong những cuộc tranh cãi về y đức thời nay, tôi nghe được vẫn là những lời chê bai. Nhưng với tất cả sự trân trọng, tôi tin rằng ngành y là một ngành cao quý, ở đâu cũng có những bác sĩ tốt, những người dành trọn tâm huyết với bệnh nhân, coi việc cứu chữa người là trách nhiệm thiêng liêng nhất. Người ta nói người làm ngành y là vì tử vi có sao thiên lương, và con cái vì thế sẽ được hưởng phúc của cha mẹ. Tôi tin vậy.

Sau này khi lớn lên tôi cũng muốn được làm bác sĩ chữa bệnh cứu người như bố tôi, và hi vọng về một xã hội trong sạch với những tiếng nói về nghề y.

Nguồn: ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới